Ngân hàng MB ghi nhận lợi nhuận hợp nhất quý đầu năm 2021 đạt gần 4.600 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ.
Khách hàng mới tăng thêm gần 1 triệu users
Đến hết 31/3/2021, thống kê ban đầu tại MB cho biết, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của phân khúc khách hàng cá nhân tại ngân hàng này tiếp tục tăng trưởng tốt, gấp 1,5 lần so với cuối năm 2020, khi số lượng khách hàng mới tăng thêm gần 1 triệu users. Sự tăng trưởng này khẳng định đà phát triển vững chắc của CASA phân khúc bán lẻ từ 2020 (đã tăng gấp đôi so với 2019). CASA cải thiện, tạo lợi thế về giá vốn rẻ cho các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng.
Quý I/2021, MB có bước tiến dài về hiệu quả khi đạt lợi nhuận trước thuế tập đoàn đạt gần 4.600 tỷ đồng; tương đương 43% kết quả 2020. Các chỉ số chính riêng ngân hàng đều tốt hơn cùng kỳ 2020 như: ROA khoảng 2,7% (quý I/2020 là 1,59%); ROE khoảng 27,24% (quý I/2020 là 16,09%), tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp 1,14%; trích lập dự phòng đầy đủ, quỹ dự phòng bao phủ duy trì >144% nợ xấu…
Trước đó, năm 2020, MB ghi nhận sự thành công vượt trội khi tăng trưởng đột phá về số lượng khách hàng, đạt 90 triệu giao dịch điện tử, gấp 3 lần so với 2019 và tỷ lệ giao dịch trên kênh số đã đạt mức gần 85%. Thương hiệu, uy tín vững vàng của MB cộng với nền tảng số thông minh, MB có lợi thế đặc biệt trong thu hút khách hàng mới.
Trên trường quốc tế, MB được 2 tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập là Moody’s và Fitch đánh giá định kỳ. Trong bối cảnh dịch Covid-19, Fitch và Moody’s vẫn giữ nguyên xếp hạng của MB, trong đó Fitch nâng triển vọng xếp hạng nhà phát hành nợ dài hạn của MB lên mức “Ổn định”. Cùng với đó, MB đạt mức xếp hạng tín nhiệm dài hạn B+ của Fitch và Ba3 của Moody’s (tương đương mức xếp hạng của VCB).
MB xếp hạng top 30 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam theo bảng xếp hạng VNR500 và nằm trong top 6 Doanh nghiệp niêm yết đạt chuẩn công bố thông tin nhóm vốn hóa lớn nhất trên TTCK Việt Nam (theo IR Awards 2020). Với cổ đông, trong khi cả xã hội khó khăn thì năm 2020, MB vẫn trả cổ tức trên 15% bằng cổ phiếu.
Tăng tốc số trong tầm nhìn 5 năm
Tầm nhìn tiên phong xây dựng ngân hàng số giúp MB đứng vững trong kinh doanh và lan tỏa giá trị ra khách hàng, cổ đông và cộng đồng xã hội. App MBBank, Biz MBBank cùng các sản phẩm cho vay trên kênh số, tạo nên sự thông suốt của dòng chảy vốn trong nền kinh tế, thúc đẩy việc mở rộng kinh doanh trên môi trường mạng, đồng thời tạo nên những kết nối có giá trị (như API Banking, kết nối y tế, giáo dục, giao thông, dịch vụ công...; banking service kết nối các hệ sinh thái thanh toán; số hóa dịch vụ tiết kiệm, cho vay, chuyển tiền quốc tế, thanh toán thuế, hải quan....).
Việc MB liên tục tung ra hệ thống sản phẩm tài chính thông minh đã mang đến những trải nghiệm trực tiếp về nền kinh tế số mà mọi người dân Việt Nam đều phải chuẩn bị, để hòa nhập với nhịp chuyển động của kinh tế toàn cầu. Thực tế, mới đây, chương trình tài khoản ngân hàng trùng với số điện thoại di động trên App MBBank đã thu hút được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng và khách hàng.
Trong chiến lược 5 năm 2017-2021, MB hoàn thành trước hạn mục tiêu nằm trong top 5 ngân hàng TMCP về hiệu quả và an toàn hoạt động. Định vị tầm nhìn, mục tiêu 5 năm tới là câu chuyện lớn, sẽ được Hội đồng quản trị Ngân hàng trình Đại hội đồng cổ đông tới đây.
Tạo lập hệ sinh thái 20 triệu khách hàng bền vững Hội đồng quản trị MB dự kiến xác định tầm nhìn “Ngân hàng thuận tiện nhất" với phương châm "Tăng tốc số; Đột phá bán lẻ; An toàn-hiệu quả" trong chiến lược 5 năm tới. Định vị của MB sẽ là "Số 1 về ngân hàng số, top 3 ngân hàng bán lẻ tại thị trường Việt Nam". Đặc biệt, MB tiếp tục phát triển mô hình tập đoàn tài chính ngân hàng năng động, tạo lập một hệ sinh thái quy mô 20 triệu khách hàng bền vững. |
Xuân Thạch