Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank – MBB) đã công bố BCTC hợp nhất quý 3/2019.
Lãi trước thuế đạt 7.616 tỷ đồng, dự phòng rủi ro vọt
Theo đó, 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 7.616 tỷ đồng, tăng 26,6% so với cùng kỳ.
Các mảng kinh doanh của MBBank đều có tăng trưởng tích cực. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 26% đạt 13.111 tỷ đồng. Hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán lần lượt có lãi 2.312 tỷ, 472 tỷ, 421 tỷ, tăng tương ứng 37%, 56% và 50%. Lãi từ hoạt động khác cũng tăng mạnh 46% lên 1.579 tỷ đồng, chủ yếu nhờ thu hồi nợ đã xử lý. Thu nhập góp vốn mua cổ phần đạt 58 tỷ, tăng 37%.
Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng tăng 30% đạt 17.957 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí hoạt động và chi phí dự phòng cũng tăng khá mạnh, lần lượt tăng 21% và 61% lên 6.664 tỷ và 3.676 tỷ.
Tiền gửi không kỳ hạn - CASA sụt giảm rõ rệt
Cuối tháng 9/2019, tổng tài sản của MBBank là 397.441 tỷ đồng, tăng 9,7% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 11,9% đạt 240.211 tỷ đồng. Ngoài ra, MBBank cũng tăng mạnh mua trái phiếu doanh nghiệp. Số chứng khoán nợ sẵn sàng để bán do TCKT phát hành cuối tháng 9 tại MBBank là 12.114 tỷ đồng, tăng 116% so với đầu năm.
Huy động tiền gửi khách hàng của MBBank tăng 5,9% đạt 254.130 tỷ đồng. Đáng chú ý, nguồn tiền gửi "giá rẻ" tại MBBank sụt giảm rõ rệt. Cuối tháng 9, tiền gửi không kỳ hạn tại MBBank là 70.709 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm. Tiền gửi vốn chuyên dùng cũng giảm hơn một nửa xuống còn 2.194 tỷ đồng. Tiền gửi ký quỹ giảm 22% xuống 12.134 tỷ. Theo đó, ước tính tỷ lệ CASA của ngân hàng giảm từ mức 41% hồi đầu năm xuống còn 33% cuối tháng 9.
Trong một dự báo gần đây, VDSC cho rằng những "ông lớn" như Vietcombank và MBBank sẽ vấp phải những cạnh tranh về CASA ngày càng lớn dần do nhiều ngân hàng tư nhân khác "chạy đua" khuyến mãi dịch vụ, miễn phí giao dịch thanh toán,…
Tuy nhiên, MBBank vẫn đang là một trong những ngân hàng có lợi thế lớn về chi phí vốn. Bằng chứng là trong khi huy động tiền gửi tăng trưởng chậm, MBBank gia tăng phát hành giấy tờ có giá để huy động vốn với lãi suất khá thấp. Giấy tờ có giá do MBBank phát hành đã tăng tới 116% trong 9 tháng đầu năm lên 24.088 tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng đã phát hành thêm hơn 13.800 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi, có lãi suất chỉ từ 4,1-7,2%/năm.
Hé lộ nợ xấu tại công ty tài chính MCredit
Tại ngày 30/9, nợ xấu của MBBank hợp nhất là 3.703 tỷ đồng, tăng 29% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng tới 40% lên 1.348 tỷ. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 1,33% lên 1,54%.
Trong khi đó, theo BCTC riêng lẻ, nợ xấu tại ngân hàng mẹ cuối tháng 9 là 3.112 tỷ đồng, tăng 23% so với đầu năm. Như vậy, ước tính nợ xấu tại công ty con MCredit là khoảng 590 tỷ đồng.
Tổng dư nợ cho vay cuối tháng 9 của MBBank hợp nhất là 240.211 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay của ngân hàng riêng lẻ là 230.143 tỷ, 2.564 tỷ cho vay tại MBS. Như vậy, ước tính, dư nợ cho vay khách hàng của MCredit là khoảng 7.504 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ xấu của MCredit theo tính toán lên tới khoảng 590 tỷ đồng, chiếm đến 7,9% tổng dư nợ cho vay khách hàng của công ty tài chính này. Tỷ lệ này tăng khá mạnh so với mức hồi đầu năm - chỉ xấp xỉ 6%.