Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank, mã MBB-HoSE) vừa công bố kết quả kinh doanh của ngân hàng mẹ với lợi nhuận trước thuế đạt 1.746 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ và tăng 20% so với quý liền trước.
Các nguồn thu của ngân hàng đều đồng loạt tăng. Trong đó, "nồi cơm chính" của ngân hàng là hoạt động tín dụng mang về thu nhập lãi thuần hơn 3.010 tỷ đồng, tăng 29,6% so với cùng kỳ. Tăng trưởng mạnh nhất trong kỳ là khoản lãi từ chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư với giá trị thu được gần 231 tỷ đồng, bao gồm 59 tỷ đồng có được nhờ hoàn nhập trích lập dự phòng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng báo lãi gấp đôi, thu về 75,6 tỷ đồng.
Hoạt động dịch vụ liên tục tăng qua các quý. Đóng góp lớn nhất là thu từ dịch vụ thanh toán với 152 tỷ đồng, gấp rưỡi hồi quý I/2017. Chi phí hoạt động và dự phòng tăng lần lượt 22,9% và 18,6%. Nhờ gia tăng nguồn thu, lợi nhuận trước thuế của MBBank vẫn tăng trưởng 65%, đạt 1.746 tỷ đồng.
MBBank là một trong các ngân hàng thuộc nhóm dẫn đầu về mức thu nhập chi trả bình quân cho các CBCNV các năm đây, đứng thứ 3 chỉ sau Vietcombank và BIDV.
Các khoản chi cho nhân viên tại MBBank tiếp tục tăng khá nhanh trong quý vừa qua. Thu nhập bình quân của CBCNV nhà băng này nhờ đó đã tăng vọt từ mức 25,85 triệu đồng/tháng hồi năm 2017 lên mức 27,1 triệu đồng/tháng.
Tính đến cuối quý I/2018, quy mô tài sản của MBBank tiếp tục tăng thêm 1.300 tỷ đồng lên khoảng 308.000 tỷ đồng. Mức tăng trưởng khá khiêm tốn này là do MBBank giảm hoạt động trên liên ngân hàng. Cả phần tiền gửi và cho vay các ngân hàng khác lẫn phần huy động từ các TCTD đều giảm với mức giảm lần lượt là 16.000 tỷ đồng và hơn 10.000 tỷ đồng.
Trên thị trường 1, tiền gửi khách hàng MBBank tăng thêm hơn 6.900 tỷ đồng, lên 227.151 tỷ đồng. Cho vay khách hàng xấp xỉ 189.000 tỷ đồng. Tăng trưởng tiền gửi và dư nợ khách hàng lần lượt đạt 3,12% và 4,9%.
Các khoản cho vay chiếm khoảng 61% giá trị tổng tài sản của MBBank. Trong quý I vừa qua, MBBank đã đầu tư mua thêm vào các chứng khoán nợ nhằm mục đích kinh doanh gồm trái phiếu Chính phủ (thêm 2.500 tỷ đồng), trái phiếu các ngân hàng khác (thêm 500 tỷ đồng) và trái phiếu doanh nghiệp (thêm hơn 1.900 tỷ đồng). Trong khi, các khoản trái phiếu doanh nghiệp mua để đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn lại giảm 3.180 tỷ đồng. Khoản phải thu khác bất ngờ tăng thêm 10.300 tỷ đồng trong quý I vừa qua.
Về cơ cấu nguồn vốn, tại ngân hàng mẹ MBBank, cứ 100 đồng tài sản thì 6,1 đồng đến từ nguồn vốn tự có. Vốn chủ sở hữu của MBBank xấp xỉ 29.290 tỷ đồng, tăng 1.100 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.