CTCK MBS vừa có báo cáo đánh giá triển vọng vĩ mô cũng như TTCK Việt Nam năm 2019. Theo MBS, Năm 2019 vẫn được kỳ vọng là một năm tương đối ổn định của kinh tế Việt Nam mặc dù không xuất sắc như 2018 nhờ 3 động lực chính:
Đầu tiên là khu vực tư nhân năng động và hiệu quả cao đang dần chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế (chiếm 42% tổng đầu tư toàn xã hội) trong khi khu vực nhà nước kém hiệu quả ngày càng giảm.
Thứ hai, sự cải thiện về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong 2018 là đáng ghi nhận với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh (cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh) sẽ là động lực cho tăng trưởng năm sau.
Thứ ba, Chính Phủ và NHNN tiếp tục kiên định quan điểm điều hành lấy ổn định làm trọng tâm. Tổng cung tín dụng được duy trì hợp lý làm giảm nguy cơ xảy ra bong bóng tài sản. Trong khi đó kỷ luật tài khóa có dấu hiệu cải thiện khi tỷ lệ chi thường xuyên giảm và tỷ lệ chi đầu tư tăng.
GDP năm 2019 khó có thể cao hơn 2018
Theo MBS, tăng trưởng GDP năm 2019 dự kiến thấp hơn mức tăng của năm 2018 và đạt khoảng 6,7%. Nguyên nhân thứ nhất là do các áp lực về cân đối vĩ mô như lạm phát và tỷ giá nhiều khả năng sẽ tăng lên trong khi dư nợ tín dụng/GDP đã ở mức cao là 130% khiến NHNN phải thận trọng hơn trong việc cung tín dụng cho nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng dự kiến năm 2019 chỉ khoảng 15% so với mức dưới 17% của năm 2018. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 2.036 tỷ đồng, tăng 7,7%, bằng 33% GDP, thấp hơn mức 34,1% của năm 2018.
Như vậy, nếu hiệu quả đầu tư của nền kinh tế không thể thay đổi cơ bản thì tăng trưởng của Việt Nam năm 2019 khó có thể cao hơn 2018.
Nguyên nhân thứ hai là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc xảy ra, tác động làm giảm triển vọng tăng trưởng của cả hai quốc gia này khiến nhu cầu hàng hóa nhập khẩu giảm trong khi cả Mỹ và Trung Quốc đều là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Mỹ năm 2017 đạt 41,61 tỷ USD và sang thị trường Trung Quốc đạt 16 tỷ USD cho thấy tầm quan trọng của hai quốc gia này với Kinh tế Việt Nam.
Tỷ giá của Việt Nam vẫn đang neo giữ vào USD, trong khi giá trị của USD đang tăng lên, còn giá trị đồng tiền của các quốc gia đang phát triển cạnh tranh với Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Philipin đều đang giảm mạnh. Nếu so sánh với đồng tiền của các quốc gia này, mức độ giảm giá của VND so với USD sẽ thấp hơn, có nghĩa là chi phí sản xuất của Việt Nam sẽ cao hơn, dẫn tới giảm sức cạnh tranh.
Môi trường kinh tế vĩ mô năm 2019 sẽ không hỗ trợ mạnh mẽ cho TTCK như trong năm 2018
MBS cho rằng sẽ có nhiều yếu tố vĩ mô tác động tới TTCK năm 2019. Với các yếu tố quốc tế, xu hướng tác động chính yếu của kinh tế toàn cầu lên TTCK là xu hướng dịch chuyển dòng vốn. Mỹ sẽ tiếp tục quá trình bình thường hóa lãi suất đến hết năm 2019. EU chấm dứt gói nới lỏng định lượng vào cuối 2018 và bắt đầu nâng lãi suất vào giữa năm 2019. Hai động thái trên khiến xu hướng dòng tiền rẻ đổ vào các thị trường tài sản toàn cầu sẽ không còn. Áp lực tăng lãi suất sẽ tăng cao trên toàn cầu.
Đồng USD và Euro tăng giá khiến sức ép lên các quốc gia mới nổi trong đó có Việt Nam tăng lên. Các Ngân hàng trung ương của các quốc gia này sẽ phải tăng lãi suất để bảo vệ đồng nội tệ.
Do đó, các TTCK toàn cầu sẽ trải qua một giai đoạn định giá lại và mức P/E sẽ giảm (hiện tại quá trình này đã xảy ra một phần và sẽ tiếp tục diễn ra trong 2019). Do đó, TTCK toàn cầu trong đó có Việt Nam sẽ khó có sự cải thiện về mặt định giá trong năm 2019.
Mức tăng trưởng của TTCK phải phụ thuộc vào sự tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp.
Trong nước, yếu tố vĩ mô đáng quan ngại tác động đến TTCK là yếu tố lạm phát. Sau 2 năm lạm phát được kìm giữ ở mức dưới 4% tạo thuận lợi cho TTCK, lạm phát nhiều khả năng sẽ vượt ngưỡng 4%. Với ngưỡng lạm phát này, lãi suất sẽ chịu sức ép gia tăng cộng thêm chính sách tiền tệ sẽ có xu hướng thận trọng hơn do đó dòng tiền đổ vào TTCK khó có khả năng dồi dào như 2018. Bên cạnh đó, áp lực lạm phát làm tỷ giá bất ổn cũng khiến các NĐT nước ngoài e ngại hơn khiến mức mua ròng dự kiến sẽ giảm.
MBS đánh giá môi trường kinh tế vĩ mô năm 2019 sẽ không hỗ trợ mạnh mẽ cho TTCK như trong năm 2018. Tuy nhiên, về cơ bản kinh tế vĩ mô vẫn ổn định và không có diễn biến nào vượt tầm kiểm soát. Mức độ tác động của của biến số vĩ mô 2019 lên TTCK sẽ là trung tính.