CTCK MBS vừa đưa ra báo cáo đánh giá ảnh hưởng dịch Covid-19 tới biến động thị trường chứng khoán.
Dịch bệnh tại Trung Quốc dần được kiểm soát, các trung tâm sản xuất lớn khởi động trở lại
Theo báo cáo, Trung Quốc đã đạt được bước tiến lớn trong công cuộc kiểm soát dịch bệnh. Theo số liệu công bố chính thức của quốc gia này, số người phục hồi hiện đã lớn hơn số người còn nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, số trường hợp nhiễm bệnh mới tại Hồ Bắc và phần còn lại của Trung Quốc đều duy trì xu hướng giảm, riêng số trường hợp nhiễm mới bên ngoài Hồ Bắc tại Trung Quốc đã giảm xuống dưới 10 người/ngày. Điều này cho thấy dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc đã qua giai đoạn định điểm và đang được đẩy lùi.
Nhiều thành phố của Trung Quốc đã nới lỏng lệnh hạn chế di chuyển và các trung tâm sản xuất của quốc gia này đã chứng kiến hàng trăm nghìn người lao động ngoại tỉnh quay trở lại nơi làm việc trong tuần qua. Lưu lượng giao thông trên đường phố cũng tăng lên trong giờ cao điểm. Tuy nhiên ngay cả khi các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, sản lượng sản xuất vẫn thấp hơn so với mức thông thường do sự gián đoạn chuỗi cung ứng, nhu cầu suy yếu và thiếu hụt lao động tại chỗ.
Trái với những tiến triển tích cực tại Trung Quốc, lo lắng về tác động kinh tế từ dịch virus corona tiếp tục đè nặng lên nhà đầu tư khi virus corona đang lây nhiễm ra nhiều nước trên thế giới ngoài Trung Quốc. Hàn Quốc hiện là nước có nhiều trường hợp xác nhận nhiễm virus corona nhất ngoài Trung Quốc. Ngoài ra, dịch bệnh cũng đang lan rộng tại Iran, Italy và nhiều quốc gia khác.
TTCK toàn cầu khép lại một tuần giảm mạnh khi những lo ngại về dịch Covid-19 và khả năng tác động của nó đến nền kinh tế tiếp tục làm tâm lý nhà đầu tư hoang mang, nó cho thấy tác động tác động từ virus corona rõ ràng lớn hơn nhiều so với thương chiến Mỹ - Trung.
Chỉ số chứng khoán toàn cầu (MSCI ACWI Index) có tuần giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 với mức giảm 10,46%, qua đó xóa sạch 8 nghìn tỷ USD vốn hóa. Nhà đầu tư đang chuyển sang tài sản an toàn như trái phiếu và đẩy giá trị thị trường trái phiếu toàn cầu lên mức cao nhất lịch sử với 58,75 nghìn tỷ USD.
Tuần qua, Dow Jones đã lao dốc hơn 12%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất về phương diện phần trăm kể từ năm 2008. Trong bối cảnh này, một cam kết của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào cuối ngày thứ Sáu đã xoa dịu mất mát của thị trường lúc khép phiên. Theo đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết trong một tuyên bố rằng Cơ quan này sẽ "hành động thích hợp" để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh bùng phát dịch Covid-19.
Thị trường có thể tạo đáy vào tháng 4 hoặc tháng 5
TTCK Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng điều chỉnh chung của các thị trường chính trên thế giới, thậm chí độ nhạy của thị trường còn lớn hơn so với thị trường Mỹ hay Châu Âu. Tuần vừa qua cũng là tuần giảm thứ 3 liên tiếp của chỉ số VN-Index và cùng là tuần giảm thứ 4 trong 5 tuần gần nhất. Hai thực tế khó có thể chối cãi về thị trường trong tháng 2 vừa qua là: Biên độ biến động mỗi phiên lớn kể từ năm 2018 và khối ngoại bán ròng 5 tuần liên tiếp.
Với mức giảm 5,5% trong tuần vừa qua, ảnh hưởng từ Covid-19 đã xóa sạch thành quả của thị trường trong năm 2019 (tăng 7,7%) với mức giảm kể từ đầu năm đã là 8,2%, thấp hơn so với mộ số thị trường trong khu vực như: Thái lan, indonesia, Philippines…
Theo MBS, về kỹ thuật, VN-Index đã tạo một nến có dạng Hammer sau khi về mức thấp nhất trong phiên là 872 điểm cho thấy tín hiệu tích cực bởi vùng đáy cũ gần nhất của 2019 là vùng 862 điểm đang ở khá gần. Đây cũng là vùng hỗ trợ quan trọng ứng với Fibonacci retracement 50% và các vùng đáy trước đó trong năm 2018-2019 đã phản ứng khá tích cực khi về sát vùng điểm này. Do đó, nếu về lại vùng này thì tương đương với mức VnIndex mất khoảng 12,72% (kể từ phiên 22/1) và khả năng sẽ có sóng hồi sau mỗi nhịp giảm khoảng 13% trở lên, chỉ số VN-Index sau đó thường hồi phục từ 10%-15%.
Trong kịch bản thận trọng, nếu vùng hỗ trợ 860 - 862 điểm không giữ được, khi đó ở phía dưới sẽ là khoảng trống và mốc 800 điểm có thể là vùng được chú ý. TTCK trong nước đã điều chỉnh sớm hơn so với các thị trường lớn trên thế giới trong khi đó tuần vừa qua mới là đợt điều chỉnh đầu tiên của TTCK Mỹ sau khi liên tiếp lập đỉnh kỷ lục. Do vậy khả năng thị trường trong nước còn chịu tác động từ bên ngoài là khá cao, bên cạnh đó là hoạt động bán ròng của khối ngoại vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Về thời điểm, các tác động đến thị trường sẽ nhanh chóng giảm bớt khi các quốc gia hợp tác ngăn chặn được dịch bệnh nhất là kỳ vọng vào khả năng sớm kiềm chế dịch tại một số quốc gia mới bùng phát như Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy, Iran, Mỹ…Điểm đáng mừng đó là đã có những tín hiệu tích cực trong việc kiểm soát dịch bệnh ở Trung Quốc (số ca nhiễm mới thấp hẳn trong khi số người khỏi tăng nhanh). Do đó, khi các nước đã nhận thức được thì vấn đề kiểm soát chỉ còn là thời gian. Về tính chu kỳ, giống như dịch Sars khả năng Covid-19 sẽ được kiểm soát tốt khi các khu vực chuyển dần sang mùa hè với nhiệt độ tăng cao trên 30 độ C và khả năng cao sẽ rơi vào tháng 6 đến tháng 7.
Tuy nhiên, MBS cho rằng thị trường thường chứng khoán thường phản ứng sớm hơn do đó kịch bản lạc quan là thị trường sẽ có đáy vào khoảng tháng 4 hoặc tháng 5. Do đó, thị trường tháng 3 đâu đó vẫn nằm trong vùng "tâm bão" ảnh hưởng nhưng có thể sẽ là vùng trũng nhất trước khi thiết lập được vùng cân bằng mới.
Về định giá, mức PE forward về mức rất hấp dẫn đồng thời cũng là mức thấp nhất 6 năm qua. Bởi vậy, đây có thể coi là một trong những yếu tố quan trọng để chờ đợi cơ hội mua tốt nhất khi thị trường bị rơi vào trạng thái bán quá đà và sát các vùng hỗ trợ kỹ thuật mạnh.
MBS cho rằng nhà đầu tư nên duy trì trạng thái thận trọng trước những biến động khó lường trong ngắn hạn. Chỉ xem xét giải ngân thăm dò khi xuất hiện các đợt bán mạnh sát các vùng hỗ trợ 800-860 điểm và xuất hiện cầu bắt đáy sớm hoặc khi tín hiệu bán ròng của NĐTNN suy yếu. Ưu tiên các ngành có mức độ tập trung của dòng tiền cao, thanh khoản tốt như: ngân hàng, xây dựng và vật liệu xây dựng, thực phẩm, bán lẻ, công nghệ, SX&PP điện, Dược phẩm, săm lốp...