Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, xét về tổng thể nền kinh tế Việt Nam năm 2019 vẫn đang trong một chu kỳ tăng trưởng đi lên được bắt đầu từ năm 2012. Trong giai đoạn này, các cân đối vĩ mô cơ bản được giữ vững do Chính phủ và NHNN đã thay đổi quan điểm điều hành nền kinh tế không quá chú trọng tăng trưởng ngắn hạn mà tập trung ổn định vĩ mô và cải thiện môi trường kinh doanh.
Với sự điều hành thận trọng của Chính Phủ và NHNN, mức độ biến động của nền kinh tế (nếu có) được dự đoán cũng sẽ không cao. Mặc dù, MBS lưu ý đã bắt đầu xuất hiện một số tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang trong một giai đoạn cuối của một chu kỳ tăng trưởng bao gồm tăng trưởng GDP ở mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây (xấp xỉ 7%), lạm phát bắt đầu chạm đáy và đi lên, lãi suất có tín hiệu tăng và các thị trường tài sản như chứng khoán và bất động sản sôi động.
Chính Phủ và NHNN tiếp tục kiên định quan điểm điều hành lấy ổn định làm trọng tâm. Tổng cung tín dụng được duy trì hợp lý làm giảm nguy cơ xảy ra bong bóng tài sản. Trong khi đó kỷ luật tài khóa có dấu hiệu cải thiện khi tỷ lệ chi thường xuyên giảm và tỷ lệ chi đầu tư tăng.
Tăng trưởng GDP năm 2019 dự kiến thấp hơn mức tăng của năm 2018 và đạt khoảng 6.7%.
Theo nhóm phân tích của MBS, nguyên nhân thứ nhất, áp lực về cân đối vĩ mô như lạm phát và tỷ giá nhiều khả năng sẽ tăng lên trong khi dư nợ tín dụng/GDP đã ở mức cao là 130% khiến NHNN phải thận trọng hơn trong việc cung tín dụng cho nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng dự kiến năm 2019 chỉ khoảng 15% so với mức dưới 17% của năm 2018. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 2.036 tỷ đồng, tăng 7,7%, bằng 33% GDP, thấp hơn mức 34.1% của năm 2018. Như vậy, nếu hiệu quả đầu tư của nền kinh tế không thể thay đổi cơ bản thì tăng trưởng của Việt Nam năm 2019 khó có thể cao hơn 2018.
Nguyên nhân thứ hai đến từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, tác động làm giảm triển vọng tăng trưởng của cả hai quốc gia này khiến nhu cầu hàng hóa nhập khẩu giảm trong khi cả Mỹ và Trung Quốc đều là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Mỹ năm 2017 đạt 41,61 tỷ USD và sang thị trường Trung Quốc đạt 16 tỷ USD cho thấy tầm quan trọng của hai quốc gia này với Kinh tế Việt Nam.
Tỷ giá của Việt Nam vẫn đang neo giữ vào USD, trong khi giá trị của USD đang tăng lên, còn giá trị đồng tiền của các quốc gia đang phát triển cạnh tranh với Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Philipin đều đang giảm mạnh. Nếu so sánh với đồng tiền của các quốc gia này, mức độ giảm giá của VND so với USD sẽ thấp hơn, có nghĩa là chi phí sản xuất của Việt Nam sẽ cao hơn, dẫn tới giảm sức cạnh tranh.