Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, dân số Việt Nam đang già đi với tốc độ gia tăng, kết hợp với tỷ lệ sinh thấp sẽ dẫn đến tỷ lệ người già trên 65 tuổi vào năm 2055 tăng cao. Trong khi đó, Quỹ tiền tệ quốc tế IMF đã dự báo, đến năm 2025, Việt Nam sẽ vươn lên đứng thứ 3 Đông Nam Á về quy mô kinh tế, với mức GDP chỉ xếp sau Indonesia và Thái Lan, vượt qua Malaysia, Philippines và Singapore.
Mức sống nâng cao và cơ cấu dân số già được dự báo sẽ khiến cho người dân ngày càng chú trọng tới việc nâng cao sức khỏe và chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm thực phẩm chức năng, sản phẩm chăm sóc sức khỏe và vật tư y tế, đồng thời có khuynh hướng sử dụng các sản phẩm dược mỹ phẩm với tiêu chí an toàn cho sức khỏe.
Thị trường dược phẩm Việt Nam được định giá khoảng 10 tỉ USD vào năm 2020, tăng gấp đôi so với năm 2015. Theo IBM, quy mô của ngành dược Việt Nam có thể đạt 16,1 tỉ USD vào năm 2026. Ngành này cũng có mức tăng trưởng 2%, đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 6% trong giai đoạn 2018-2020. Quy mô, tiềm năng của ngành dược là rất lớn, và có đến 60 nghìn hàng thuốc truyền thống trong khi cửa hàng theo chuỗi còn ít.
“Đây chính là cơ hội của những chuỗi nhà thuốc bán lẻ như Long Châu, Pharmacity hay An Khang nhằm tìm kiếm thị phần trong mảng kinh doanh còn đang phân mảnh này. Thị trường bán lẻ dược phẩm được dự báo sẽ ngày càng khốc liệt hơn, tuy nhiên, dư địa tăng trưởng còn lớn do hiện tại các nhà thuốc tư nhân vẫn chiếm tới 97,1% thị phần (năm 2021) ”, báo cáo phân tích mới đây của MBS ghi nhận.
L ong Châu đã "đuổi kịp" Pharmacity với 1.000 nhà thuốc
Riêng Long Châu, các nhà thuốc của hãng chỉ trong quý 3/2022 đạt doanh thu trung bình theo tháng đạt 1.100 tỷ đồng sau khi tác động từ dịch Covid 19 đã dần bị loại bỏ. Biên LNG đạt 22%, mục tiêu trong 4-5 năm tới sẽ lên mức 25.
Đặc biệt, tính đến tháng 12/2022, chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu đã chính thức vượt mốc 1.000 nhà thuốc, phủ khắp 63 tỉnh thành tại Việt Nam, vượt 125% kế hoạch mở mới của năm 2022. FRT cũng dự kiến sẽ tăng tổng số cửa hàng lên 3.000 trong 5 năm tới.
Như vậy, cuộc đua ngành dược sớm dự báo bùng nổ hồi đầu năm đã và đang ngày càng gay cấn. Nếu Pharmacity tuyên bố tham vọng lớn với 5.000 nhà thuốc trên toàn quốc vào năm 2025, nâng doanh thu lên hơn 3 tỷ USD thì Long Châu cũng vừa tăng gấp đôi vốn, sau khi có lãi trước kế hoạch vào cao điểm năm 2021. Thực tế, dù thấp hơn về quy mô, song chỉ số kinh doanh của Long Châu đã sớm vượt xa Pharmacity.
Long Châu sẽ là mũi nhọn dẫn dắt tăng trưởng chính cho FRT với mục tiêu đóng góp khoảng 50% doanh thu
Khi mảng ICT được dự phóng là sẽ tăng trưởng nhưng không đột biến nữa, Long Châu được kỳ vọng sẽ là mũi nhọn dẫn dắt tăng trưởng chính cho FRT trong các năm tiếp theo với mục tiêu đóng góp khoảng 50% doanh thu, ngang bằng với FPT Shop vì dư địa phát triển trong ngành dược phẩm còn nhiều.
Long Châu có danh mục sản phẩm đa dạng, chuyên thuốc theo toa và đang có kế hoạch bổ sung thêm 50 SKU thương hiệu riêng trong 2022 để tăng biên lợi nhuận. Giá cả ở mức cạnh tranh so với đối thủ Pharmacity và khả năng đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng về thuốc kê toa giúp Long Châu chiếm lợi thế hơn khi tiếp cận được mọi đối tượng khách hàng. Long Châu được giới thiệu như một chuỗi hiệu thuốc có giá thuốc bán ra thấp hơn so với thị trường chung, tương đương với giá bán sỉ.
Năm 2021, chuỗi nhà thuốc Long Châu đã được hưởng lợi rất lớn nhờ sản phẩm kit test nhanh Covid-19 và khẩu trang, vốn là những sản phẩm có biên lợi nhuận cao hơn thuốc thông thường và được tiêu thụ rất mạnh vào cao điểm của dịch bệnh, do hệ thống Long Châu được phép hoạt động trong thời điểm giãn cách xã hội. Qua đó, độ nhận diện và phủ sóng của chuỗi nhà thuốc này tăng lên nhanh chóng.