Quý I/2018, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) đạt 305,627 tỷ đồng doanh thu hoạt động, lãi sau thuế 70,77 tỷ đồng. Với kết quả này, chỉ sau 1 quý, MBS đã lãi gấp gần 3 lần cả năm 2017.
Theo báo cáo tài chính đã được soát xét bởi Cty kiểm toán E&Y, trong quý I/2018, MBS lãi ròng từ các tài sản tài chính 70,8 tỷ đồng; lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (trái phiếu, tiền gửi) là 10,7 tỷ đồng, lãi từ cho vay và các khoản phải thu 81,9 tỷ đồng.
Về nghiệp vụ môi giới, trong quý I/2018, MBS đạt doanh thu 127,195 tỷ đồng. Riêng nghiệp vụ môi giới đã mang lại trực tiếp xấp xỉ 37 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và gần 82 tỷ đồng dịch vụ tài chính đi kèm cho MBS.
Với mảng tư vấn, trong quý I/2018, MBS ghi nhận doanh thu 9,24 tỷ đồng, chi phí hơn 3,2 tỷ đồng, tương đương mức thu nhập hơn 6 tỷ đồng trước thuế.
Một điểm khá bất ngờ là trong quý I/2018, MBS đã rất mạnh tay trích lập dự phòng các khoản đầu tư tài chính OTC, với tổng giá trị trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư này riêng trong quý I lên tới hơn 82 tỷ đồng (không tính các khoản trích lập khác).
Như vậy, với việc tăng trưởng mạnh kết quả kinh doanh các mảng, MBS đã đạt được lợi nhuận sau thuế lên tới 70,77 tỷ đồng trong quý I, gấp gần 3 lần lợi nhuận sau thuế cả năm 2017. Nếu loại bỏ yếu tố trích lập OTC và trích lập khác, MBS có thể đạt mức lợi nhuận lên tới trên 180 tỷ đồng trong 1 quý.
Việc tăng mạnh lợi nhuận từ các mảng dịch vụ của MBS trong quý I/2018 là điều có thể dự báo được, khi MBS liên tục duy trì vị thế TOP 5 công ty chứng khoán thị phần môi giới lớn nhất cả nước. Với kết quả của quý I và việc Công ty đặt mục tiêu tiếp tục giữ được vị trí thị phần như hiện nay, việc MBS tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận lớn trong các quý tiếp theo là hoàn toàn có thể, sau khi Công ty đã đẩy mạnh trích lập dự phòng trong quý I/2018.
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 của MBS, Thượng Tướng Lê Hữu Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đánh giá rất cao những thành tích mà MBS đã đạt được, cả về việc củng cố tình trạng tài chính lẫn mô hình hoạt động; uy tín và vị thế trên thị trường. Đặc biệt, vấn đề cổ đông chiến lược cũng được ông Đức chỉ đạo rất quyết liệt.
"Hiện nay đã có 5-6 đối tác trong nước và quốc tế tiếp cận và mong muốn trở thành đối tác chiến lược của MBS. Yêu cầu trong năm 2018, MBS phải tìm được đối tác chiến lược này và phải bán ở mức giá cao để đem lại hiệu quả", ông Đức nói.
Ngoài việc phát triển các mảng kinh doanh hiện có, tại cuộc họp này, MBS cũng hé lộ 2 hướng đi mới của Công ty, trong đó bao gồm thúc đẩy kinh doanh mảng trái phiếu và kinh doanh dựa trên việc kết nối với dự án về công nghệ của ngân hàng mẹ.