Trong bản tin cập nhật thị trường vừa được công bố, CTCK MBS đã đưa ra nhiều nhận định đáng chú ý về xu hướng thị trường hiện nay.
MBS cho rằng thị trường trong nước vừa bước xong tuần thứ 2 tăng điểm liên tiếp nhưng vẫn trong xu hướng dao động đi ngang và kéo dài sang phiên thứ 16. Phiên giảm nhẹ cuối tuần là kết quả khi thị trường thử thách cận trên của vùng dao động. Nhà đầu tư tỏ ra thận trọng và nhóm cổ phiếu bluechips cũng kém tích cực so với phiên trước đó.
Đáng chú ý là thanh khoản ở nhóm VN30 giảm mạnh hơn 13,3% xuống 5.945 tỷ đồng/phiên. Do vậy, đà tăng 2 phiên liên tiếp của thị trường kể từ giữa tuần đã không duy trì được ở phiên cuối tuần, dường như tâm lý ngắn hạn vẫn đang lấn át, nhà đầu tư vẫn đang chủ động chọn bán ra khi thị trường quay lại đỉnh cao cũ. Phiên giảm nhẹ cuối tuần là kết quả khi thị trường thử thách cận trên của vùng dao động. Trong bối cảnh nhóm cổ phiếu bluechips yếu đi, dòng tiền đã chọn cách dịch chuyển sang nhóm cổ smallcap. Theo thống kê, tuần vừa qua cũng là tuần tăng thứ 4 liên tiếp của nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ, đưa tổng mức tăng lên gần 15,7%.
Nhà đầu tư đang kỳ vọng vào việc thị trường có thể bứt phá khỏi vùng tích lũy đã kéo dài 16 phiên liên tiếp khi ở bên ngoài chứng khoán thế giới đã vượt đỉnh, ở trong nước khối ngoại đang giảm bán ròng và các biện pháp xóa nghẽn hệ thống đang có triển vọng…
Dù vậy, MBS đánh giá cơ hội để thị trường có thể bùng nổ trong tháng 3 là không cao bởi nút thắt quan trọng là dòng tiền không thể cao hơn được do dòng tiền lớn bị giới hạn cho đến khi các giải pháp xóa nghẽn hệ thống đi vào thực tiễn. Diễn biến trong tuần vừa qua cũng cho thấy chỉ khi dòng tiền quay lại nhóm cổ phiếu lớn thì thị trường mới có khả năng bứt phá.
Theo thống kê, giai đoạn thị trường tiệm cận ngưỡng 1.200 điểm hồi tháng 1 vừa qua, thanh khoản bình quân sàn HSX đạt khoảng 15.700 tỷ đồng/phiên, trong khi đó ở 3 tuần gần đây khi thị trường đi ngang và tiệm cận vùng cản trên của vùng dao động, thanh khoản bình quân chỉ đạt 13.200 tỷ đồng/phiên.
MBS cho rằng mặc dù thị trường đi ngang nhưng đây cũng là cơ hội để tích lũy cổ phiếu, nhất là khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2021 đang tới gần. Triển vọng tăng trưởng kinh tế phục hồi nhờ việc tái mở cửa kinh tế cùng với các biện pháp hỗ trợ bổ sung, đã thúc đẩy các nhà đầu tư quay lại với nhóm cổ phiếu mang tính chu kỳ và được hưởng lợi từ sự phục hồi của nền kinh tế.
Một trong những điểm nhấn của năm nay là cổ phiếu trong lĩnh vực năng lượng, hàng hóa cơ bản như dầu khí, Thép, phân bón, hóa chất, cao su, sơ sợi hay lĩnh vực dịch vụ tài chính như chứng khoán, ngân hàng, BĐS khu công nghiệp…Hoặc nhóm cổ phiếu được hưởng lợi khi nền kinh tế mở cửa nền kinh tế như: cổ phiếu hàng không, cổ phiếu du lịch, khách sạn…
Về kỹ thuật, mặc dù thị trường đi ngang đã hơn 3 tuần nhưng các tín hiệu kỹ thuật vẫn rất tích cực. Chỉ số VN-Index vẫn nằm trên ngưỡng MA50 với khoảng cách 3,3%, cao hơn so với S&P 500 trong khi thị trường Châu Á Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản và thị trường chứng khoán Đông Nam Á thậm chí vẫn đang nằm dưới ngưỡng kỹ thuật này.
Sức ì từ nhóm cổ phiếu VN30 chính là lực cản khiến chỉ số VN-Index chưa thể bứt phá khỏi vùng tích lũy để bước vào sóng tăng mới. Theo thống kê, so với cận trên của vùng tích lũy, nhóm VN30 chỉ có 16% số mã đang cao hơn so với ngưỡng cận trên vùng tích lũy, trong số này có các mã như: NVL, PDR, POW, SBT và VPB. Trong khi đó, thị trường chung hiện có gần 59% số mã đã vượt qua ngưỡng cận trên này, nhóm cổ phiếu midcap cũng tương tự trong khi nhóm smallcap nhỉnh hơn với hơn 61%.
Theo MBS, trong tuần tới, việc các quỹ ETFs sẽ tiến hành tái cơ cấu trong bối cảnh hệ thống vẫn gặp khó khi sự cố nghẽn lệnh chưa có giải pháp có thể sẽ khiến giao dịch ít nhiều ảnh hưởng. Bên cạnh đó, việc đáo hạn phái sinh và Fed sẽ họp vào ngày 16-17/3 là những thông tin khiến NĐT cũng thận trọng hơn trong giao dịch. Do vậy, trong kịch bản cơ bản cho tuần tới vẫn tiếp tục nghiêng về khả năng thị trường sẽ duy trì sideway hẹp trong vùng 1.155 – 1.195 điểm.