Trong báo cáo mới được công bố, CTCK MBS đã có những đánh giá tích cực về xu hướng thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Theo báo cáo, trong tuần qua, VN-Index đã lập kỷ lục mới với mức điểm 1.390,12 điểm, tăng 25,9% từ đầu năm và tăng 110,88% từ đáy tháng 3/2020, chỉ đứng sau mức tăng 126,59% của thị trường Hàn Quốc.
Đáng chú ý là thị trường đi lên các ngưỡng cao mới trong bối cảnh thanh khoản thị trường giảm. Theo MBS, một trong các nguyên nhân dẫn đến việc thanh khoản thị trường sụt giảm trong tuần cuối tháng 6 là vấn đề mang tính "kỹ thuật" khi các con số ở khoản mục cho vay, trong đó có cho vay nghiệp vụ ký quỹ (margin) ở các công ty chứng khoán sẽ được công bố trong báo cáo tài chính bán niên.
Bên cạnh đó, dòng tiền ở các doanh nghiệp nếu có "tranh thủ phiêu lưu" cũng sẽ về tài khoản trước khi chốt sổ. Hiện tượng này cũng có thể mang tính chu kỳ, trong tuần cuối tháng 6 ở các năm 2019 và 2020 thanh khoản thị trường cũng đều giảm so với tuần trước đó.
Năm nay, trong bối cảnh thanh khoản toàn thị trường (cả 3 sàn) đang ở mức kỷ lục (30.310 tỷ đồng/phiên) kể từ đầu tháng 6 cho tới nay và margin ở các công ty chứng khoán cũng gần như chạy hết công suất, thanh khoản khớp lệnh tuần vừa qua cũng giảm về mức 18.500 tỷ đồng/phiên ở sàn HSX, tương đương mức giảm 15,4% so với tuần trước đó, cắt mạch chuỗi 6 tuần liên tiếp thanh khoản khớp lệnh trên sàn HSX đạt trên ngưỡng 20.000 tỷ đồng/phiên.
Tuần này, việc đưa hệ thống mới vào giao dịch có thể là tín hiệu cởi trói dòng tiền, do vậy dòng tiền đã có sự dịch chuyển từ nhóm cổ phiếu và và nhỏ sang nhóm VN30. Tuần qua, nhóm VN30 cùng Finlead và Finselect tăng tốt trong khi nhóm midcap và smallcap giảm mạnh. Hiện chỉ số VN30 đã quay lại test đỉnh trong phiên cuối tuần, cả VN30 và VN30F1M đang khá tương đồng về mặt mô hình trong ngắn hạn, trong đó VN30F1M có mô hình tăng tiếp diễn rõ nét hơn. Basis trở lại trạng thái dương cho thấy tâm lý giới đầu tư khá lạc quan với xu hướng tăng của thị trường lúc này.
Tuần vừa qua, MSCI đã công bố kết quả phân loại thị trường định kỳ dành cho 84 thị trường chứng khoán trên thế giới. Theo kết quả được công bố, Việt Nam lại lỡ "chuyến tàu" nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier markets) lên thị trường mới nổi (Emerging markets).
Ngoài việc Việt Nam tiếp tục lỡ hẹn, một thông tin đáng chú ý là MSCI đang xem xét khả năng đưa thị trường Pakistan từ thị trường mới nổi về thị trường cận biên trong kỳ đánh giá tháng 11/2021 do không còn đáp ứng được các tiêu chí về quy mô và thanh khoản. Ngoài ra, không có cổ phiếu nào của Pakistan đáp ứng tiêu chí về quy mô và thanh khoản trong khung phân loại của MSCI. Trong đề xuất, MSCI cũng đưa ra bảng mô phỏng cho trường hợp Pakistan được chuyển sang thị trường cận biên. Chi tiết, sẽ có 4 cổ phiếu Pakistan được thêm vào rổ thị trường cận biên với tổng tỷ trọng là 2,3%. Trong khi đó, tỷ trọng của Việt Nam bị giảm nhẹ từ 31% xuống 30,3%, trong khi số lượng cổ phiếu được giữ nguyên.
Về kỹ thuật, MBS cho biết VN-Index đã có đỉnh cao mới và bứt phá khỏi vùng sideway kéo dài 5 phiên trước đó, trong khi chỉ số VN30 mới retest lại đỉnh cũ. Nếu xét khung thời gian ngắn kể từ đầu tháng 6 cho tới nay, chỉ số VN-Index đã chính thức breakout mô hình tam giác hướng lên trong xu hướng tăng giá, vùng giá mục tiêu có thể đạt ở 1.440 điểm – 1.475 điểm.
Tuy nhiên, MBS cho rằng điều cần quan sát lúc này là thanh khoản thị trường có thể quay lại như cách đây 2 tuần trước hay không, cho tới khi điều này xảy ra thì thị trường vẫn có thể đi lên ở nền thanh khoản như tuần vừa qua, thị trường đi lên trong nghi ngờ cũng là điều thú vị nhưng hoàn toàn hợp lý bởi xu hướng lập đỉnh cao mới đang là trend chung của chứng khoán toàn cầu.
Về chiến lược đầu tư, MBS khuyến nghị nhà đầu tư tập trung vào các nhóm cổ phiếu vượt đỉnh như Chứng khoán, Ngân hàng, Thép và Bất động sản, đây cũng là những nhóm được kỳ vọng báo cáo quý 2 sắp tới sẽ tốt hơn so với kỳ vọng. Bên cạnh đó là những cơ hội đầu tư riêng lẻ theo KQKD Q2 ở nhóm midcap cũng kỳ vọng sẽ bứt phá. Nhiều khả năng thanh khoản trong tuần tới sẽ chưa có sự cải thiện và các nhịp võng là cơ hội để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cho các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ sự phục hồi của nền kinh tế.