CTCK MBS vừa đưa ra báo cáo đánh giá chiến lược thị trường tuần giao dịch đầu tháng 5 (4-8/5) với nhiều điểm đáng chú ý.
Về biến động thị trường quốc tế, MBS cho biết thị trường đã trải qua tuần điều chỉnh thứ 2 liên tiếp do (1) ảnh hưởng từ cú sập từ giá dầu và (2) các chỉ số kinh tế vĩ mô bắt đầu lộ rõ suy thoái có thể sẽ rất nghiêm trọng cùng với đó là (3) rủi ro căng thẳng địa chính trị leo thang và nguy cơ tái bùng phát chiến tranh thương mại.
MBS đánh giá về khía cạnh kinh tế, rủi ro hiện tại cho thấy kinh tế toàn cầu suy thoái sâu là rất rõ ràng với hàng loạt số liệu về GDP, việc làm và PMI đều ở tình trạng rất tệ. Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà các Chính phủ và NHTW đã tung hàng loạt gói kích thích tài khóa và bơm tiền thông qua các chính sách tiền tệ nới lỏng chưa từng có để đối phó với đà giảm tốc lớn của kinh tế do ảnh hưởng của Covid-19 và những hệ lụy sau đó.
Do đó, ngắn hạn thị trường chứng khoán toàn cầu phục hồi và tăng điểm mạnh nhờ yếu tố cung tiền ngắn hạn. Nhưng yếu tố dài hạn hơn như diễn biến suy thoái kinh tế nhanh hay kéo dài, tốc độ suy giảm của lợi nhuận doanh nghiệp cũng như các tác động của chính sách hiện tại của các chính phủ và NHTW liệu có đủ bù đắp được những ảnh hưởng mà dịch Covid-19 gây ra hay không còn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Nhưng MBS cho rằng TTCK chưa thể bước vào một uptrend với bối cảnh kinh tế hiện tại được do vậy nhịp phục hồi sớm muộn cũng sẽ kết thúc.
Đối với TTCK Việt Nam, những diễn biến tích cực nhất đã diễn ra trong phần lớn thời gian của tháng 4 và chỉ số VN-Index cũng đã phục hồi hơn 22% kể từ đáy. MBS đánh giá trong ngắn hạn, chỉ số VN-Index đã có tín hiệu tạo đỉnh ngắn hạn về điểm số và thanh khoản sau khi chạm các vùng kháng cự mạnh của Fibonacci và MA50. Trong khi đó, thanh khoản toàn thị trường cũng đã tạo đỉnh và đang có dấu hiệu giảm dần so với tuần trước đó.
Về kịch bản cho tuần giao dịch đầu tháng 5, MBS dự báo thị trường tiếp tục trong xu hướng điều chỉnh và phân hóa qua đó tạo một vùng dao động kỹ thuật ngắn hạn trước khi xu hướng mới được hình thành. Nếu chỉ số vượt qua được vùng đỉnh ngắn hạn vừa thiết lập trong những phiên 20/4 vừa qua, mục tiêu của sóng tăng mới là vùng 800 điểm, nơi có sự góp mặt của đường trung bình 50 ngày (MA50). Tuy vậy, theo MBS, nhà đầu tư cũng nên chuẩn bị kịch bản khi thị trường để mất ngưỡng 750 điểm, hiện TTCK toàn cầu bắt đầu bước vào nhịp điều chỉnh và có thể kết thúc sóng hồi kỹ thuật của tháng 4 vừa qua.
Trong ngắn hạn, chỉ số vẫn đang nằm trong một downtrend theo tháng do đó nhịp phục hồi trong thời gian qua mới chỉ là nhịp phục hồi mang tính kỹ thuật, giảm sâu bật mạnh. Và có thể sau đó, chỉ số lại quay trở lại xu hướng đã giảm đã hình thành trước đó. Dòng tiền ngoại trong thời gian vừa qua đã rút ra ở hầu hết các thị trường và đặc biệt rút mạnh tại khu vực Emerging Market. Do vậy, xu hướng rút vốn tại Việt Nam phần nào do ảnh hưởng của làn sóng này. Có một điểm đáng chú ý, đó là khi một lượng tiền lớn bị rút ra, thị trường sẽ cần rất nhiều thời gian để bù lấp lại khoảng trống về thanh khoản và vốn hóa.
Kịch bản thị trường được MBS đánh giá cao nhất trong tuần đầu tháng 5 là VN-Index sẽ sideway down trong vùng 740 – 780 điểm (xác suất 60%).
Về chiến lược đầu tư, MBS cho rằng nhà đầu tư có thể chốt lời dần các danh mục cổ phiếu trading ngắn hạn, duy trì trạng thái thận trọng cũng như nên có sẵn các kịch bản để ứng xử phù hợp bất kể thị trường đi theo chiều hướng nào khi tình hình dịch bệnh trên toàn cầu chưa được kiểm soát triệt để. Hạn chế mua đuổi trong những phiên tăng giá và sử dụng tỷ lệ margin cao, tuân thủ chặt chẽ quy tắc cắt lỗ để bảo toàn trạng thái tài khoản.
Nhà đầu tư trung hạn và dài hạn khuyến nghị tiếp tục nắm giữ danh mục và có thể tận dụng những nhịp điều chỉnh trong phiên để tích lũy thêm cổ phiếu cơ bản tốt và triển vọng tăng trưởng tích cực trong cả năm sau khi dịch bệnh qua đi.