Thương hiệu bánh mì kẹp thịt nổi tiếng của Mỹ vừa tuyên bố sẽ bán lại mảng kinh doanh của mình tại Nga bởi "cuộc khủng hoảng nhân đạo do cuộc chiến gây ra ở Ukraine, bởi môi trường hoạt động khó lường khiến McDonald's không thể tiếp tục kinh doanh tại Nga, vì điều đó không nhất quán với các giá trị kinh doanh của McDonald".
Hơn 3 vạn khách hàng đã đến cửa hàng đầu tiên của McDonald tại Moscow. Ảnh Vitaly Armand/AFP via Getty Images
Hồi tháng 3 vừa rồi, ngay khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra, McDonald's đã theo chân các công ty khác của Mỹ tạm dừng các hoạt động ở Nga, vẫn theo CNN.
Sau khi hoàn tất các thương vụ bán lại, các nhà hàng của McDonald's tại Nga sẽ buộc phải loại bỏ các hình ảnh thương hiệu quen thuộc của McDonald's, trong đó có tên thương hiệu, logo và thực đơn độc quyền của McDonald's.
McDonald's cho biết các nhân viên của công ty tại Nga vẫn tiếp tục được trả lương cho đến khi các cuộc giao dịch được hoàn tất, và điều quan trọng hơn là 'nhân viên có việc làm trong tương lai dù với bất kỳ người mua nào đi chăng nữa'.
Giám đốc điều hành Chris Kempczinski cho biết ông tự hào về hơn 60.000 công nhân đang làm việc tại Nga và cho biết quyết định này là 'cực kỳ khó khăn'.
"Tuy nhiên, chúng tôi có cam kết với cộng đồng toàn cầu và phải kiên định với các giá trị của mình. Và với cam kết đó, chúng tôi không còn có thể tiếp tục giữ lại thương hiệu McDonald's ở Nga", ông nói.
Chấm dứt 3 thập kỷ tại Nga
Quyết định này đã kết thúc mối quan hệ kéo dài hơn ba thập kỷ của McDonald's với Nga.
Hầu hết các cửa hàng của McDonald's tại Nga đã đóng cửa từ tháng 3. Ảnh DPA/Getty Images
McDonald's mở cửa nhà hàng đầu tiên ở Moscow vào ngày 31 tháng 1 năm 1990. Hơn 30.000 khách hàng Nga đã được phục vụ vào hôm đó và cửa hàng đầu tiên của McDonald's tại Nga ở Quảng trường Pushkin (Moscow) đã phải mở cửa muộn hơn dự định vài giờ vì khách hàng quá đông.
Darra Goldstein, một chuyên gia về Nga tại Đại học Williams, nhận xét rằng sự xuất hiện của McDonald's ở Moscow không chỉ đơn thuần là sự xuất hiện của Big Macs và khoai tây chiên. Đó là ví dụ nổi bật nhất về nỗ lực của Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbechev trong việc mở cửa đất nước Nga ra thế giới bên ngoài.
"McDonald's mang tính biểu tượng về những thay đổi đang diễn ra", bà Goldstein nói.
Khoảng hai năm sau, Liên Xô sụp đổ.
Neil Saunders, Giám đốc điều hành của GlobalData trong một thông báo đưa ra hôm thứ Hai, cho biết việc McDonald's ra đi "đại diện cho một chủ nghĩa biệt lập mới ở Nga, mà hiện nay nước này phải hướng nội để đầu tư và phát triển thương hiệu tiêu dùng".
Ông nói thêm rằng các thương hiệu phương Tây khác có "lập trường nguyên tắc về các khái niệm tự do và dân chủ" và xem xét lại việc kinh doanh của họ ở Nga.
Giá phải trả khá lớn
Với việc rời khỏi nước Nga, McDonald's sẽ mất đi một khoản tiền ở 1,2-1,4 tỷ USD.
"Việc McDonald's sở hữu hầu hết các nhà hàng tại Nga cho thấy doanh nghiệp này có một lượng tài sản giá trị để bán lại. Tuy nhiên, với tình cảnh hiện nay, những người Nga giàu có muốn mua lại cũng phải đối mặt với các thách thức tài chính. Hơn nữa, việc McDonald's không cho phép người mua lại sử dụng thương hiệu, việc bán lại tài sản khó đạt được giá trị ở thời điểm trước cuộc chiến", Saunders nói.
Trong báo cáo thu nhập gần đây nhất của mình, McDonald's cho biết việc đóng cửa các nhà hàng ở Nga trong quý trước đã tiêu tốn 127 triệu USD, trong đó gần 27 triệu USD đến từ chi phí nhân viên, thanh toán tiền thuê mặt bằng và vật tư. 100 triệu USD khác chi phí cho thực phẩm và các mặt hàng khác.
McDonald's có 847 nhà hàng ở Nga vào cuối năm ngoái, theo một tài liệu đầu tư. Cùng với 108 nhà hàng khác ở Ukraine, các hoạt động kinh doanh tại Nga và Ukraine đã mang lại 9% doanh thu cho công ty vào năm 2021.