Đây là nhận định của Viện toàn cầu McKinsey đưa ra gần đây. Theo đó, tổ chức này đánh giá hệ thống điện lưới của Việt Nam đang ở trong thời kỳ bản lề. Trong 5 năm qua, phụ tải điện đã tăng với tốc độ 10% năm. Và để đáp ứng nhu cầu điện, Việt Nam cần phải thu hút thêm 150 tỷ USD vốn đầu tư mới vào quốc gia, theo đánh giá của EVN được McKinsey trích dẫn.
Tuy nhiên, với mức nợ công gần chạm trần, thách thức đặt ra là không hề nhỏ. Giải quyết bài toán giữa nhu cầu và bối cảnh hiện tại, McKinsey cho rằng năng lượng tái tạo là câu trả lời với chi phí thấp nhất xét theo chi phí điện quy dẫn (LCOE).
Việt Nam có nguồn tài nguyên dồi dào và chi phí sản xuất điện gió, điện mặt trời đã giảm trong 5 năm qua lần lượt 30% và 75%, khiến cho LCOE của các loại năng lượng tái tạo mới giảm xuống thấp hơn so với chi phí sản xuất nhiệt điện truyền thống.
Theo nghiên cứu của tổ chức này, Việt Nam sẽ tiết kiệm được 10% tổng chi phí năng lượng cho giai đoạn 2017 - 2030. Yếu tố then chốt dẫn dắt khả năng cắt giảm chi phí này chính là những khoản chi phí nhiên liệu tiết kiệm được khi không sản xuất nhiệt điện với mức thâm dụng nhiên liệu cao. Những khoản đầu tư này sẽ lớn lên qua thời gian khi chi phí đầu tư ban đầu khấu hao.
Giả sử, nếu phụ tải tăng với vận tốc không đổi sau năm 2030, Việt Nam sẽ tiết kiệm được thêm 45 tỷ USD chi phí nhiên liệu trong giai đoạn 2030 - 2040.
Một ưu điểm khác của năng lượng tái tạo là chứa đựng ít rủi ro hơn. Năm 2017, Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 47 thế giới, nhưng lại là nước có mức phát thải khí nhà kính đứng thứ 27. Mức độ phát thải gia tăng đáng kể, một điều không tránh khỏi nếu lựa chọn Quy hoạch hiện tại, sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng đến chất lượng không khí của Việt Nam, vốn đã ở mức tệ nhất Đông Nam Á tại thời điểm này.
Hiện 20 nhà máy than nhiệt điện ở khu vực miền bắc quanh Hà Nội liên tục kéo chất lượng không khí xuống thấp hơn ngưỡng chất lượng không khí chấp nhận được theo quy định của WHO. Chỉ tính riêng trong năm 2017, Hà Nội đã vi phạm quy định của WHO.
Năng lượng tái tạo cũng giúp cho an ninh năng lượng và an ninh giá cả hàng hoá. Cụ thể, quy hoạch hiện tại cần tổng cộng 37 triệu đơn vị nhiệt Anh (BTU) nhiên liệu, trong đó 49% dự kiến được đáp ứng từ nguồn nhập khẩu.
Ngược lại, sử dụng năng lượng tái tạo sẽ giảm 20% độ phụ thuộc vào tổng lượng nhiên liệu và giảm 60% độ phụ thuộc vào nhập khẩu so với quy hoạch hiện tại, qua đó giảm đáng kể sự phụ thuộc của Việt Nam vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu và nhiên liệu hóa thạch xét trên bình diện rộng hơn.
Mặt khác, đến năm 2030, 74% mức điện sản xuất theo Quy hoạch hiện tại vẫn gắn với than đá hoặc khí đốt, làm tăng đáng kể nguy cơ chịu tác động trước những rủi ro liên quan đến các loại hàng hóa này.
Để so sánh, mức độ gắn kết với an ninh hàng hóa than đá và khí đốt lựa chọn dùng năng lượng tái tạo chỉ là 49%. Ví dụ, khi chi phí nhiên liệu tăng thêm 10%, thì dự báo con đường dựa trên năng lượng tái tạo sẽ tiết kiệm được thêm 7 tỷ USD trong giai đoạn 2017 - 2030.
Ngoài ra, năng lượng tái tạo có thể tạo thêm 465.000 việc làm trong giai đoạn 2017-2030.
Tuy nhiên, McKinsey cho rằng không có "cây đũa thần" nào để Việt Nam một mình giải quyết được tất cả các thách thức về năng lượng.
Bởi việc có đáp ứng nhu cầu gia tăng nhanh chóng mà vẫn duy trì chi phí ở mức thấp hay không phụ thuộc vào khả năng kiến tạo một nền tảng tài chính và luật định khiến thị trường trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà phát triển có năng lực phát triển năng lượng tái tạo.
Ngoài ra, các nhà hoạch định kế hoạch cũng nên tìm hiểu, thử nghiệm các biện pháp giảm cầu, nhập khẩu thông qua các liên kết với Trung Quốc và Lào, và cơ hội sử dụng khí tự nhiên như một phần quan trọng hơn trong cơ cấu năng lượng.
Nhằm tạo ra một thị trường năng lượng tái tạo đủ hấp dẫn, đủ sức khuyến khích các nhà phát triển dự án xây dựng với quy mô lớn cần thiết để đáp ứng nhu cầu điện của Việt Nam, McKinsey cho rằng Chính phủ có thể cân nhắc các biện pháp như: Xây dựng một hợp đồng mua bán điện (PPA) hấp dẫn hơn cho năng lượng tái tạo; Xác định rõ trạng thái giá điện sản xuất từ năng lượng tái tạo sau tháng 7/2019; Chuẩn hóa và hợp lý hóa quy trình phê duyệt dự án; Huy động sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân…