Ngày 21/2, phiên xử vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ (48 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên) và bà Lê Hoàng Diệp Thảo (47 tuổi) tiếp tục diễn ra căng thẳng.
Mở đầu phiên xử, luật sư Trương Thị Hòa đã có phần chất vấn đương sự các bên. Đặt câu hỏi cho bà Lê Thị Ước (mẹ ông Vũ), luật sư nói: "Con trai bà, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã phê bình bà trả lời một câu hỏi không chính xác. Theo tổ luật sư của chúng tôi biết được, bà có trả lời một câu không chính xác là nói con dâu bà tham gia Trung Nguyên vào năm 2005". Bà Ước cho rằng bản thân đã lớn tuổi rồi nên có lúc nhầm lẫn.
"Tôi là linh hồn của Trung Nguyên"
Trả lời về những người tham gia góp vốn Trung Nguyên, bà Ước nói: "Khi con trai tôi muốn khởi nghiệp đã nói với cha mẹ. Vợ chồng tôi thống nhất bán 2 căn nhà, mượn của một người cháu 25 triệu và mượn của một người bạn chiếc xe để Vũ lập nghiệp.
Lúc đó là năm 1996, con tôi thuê một căn nhà 170 Nguyễn Chí Thanh, giờ là 268 Nguyễn Tất Thành và đang là trụ sở Trung Nguyên".
Mẹ của ông chủ Tập đoàn cà phê Trung Nguyên khẳng định: "Sự đóng góp của gia đình, bạn bè mới có Trung Nguyên ngày hôm nay. Gia đình tôi không biết cô Thảo là ai, 3 năm sau con tôi mới cưới cô này. Do đó, không có chuyện tiền của Thảo đưa để góp vốn cho Trung Nguyên.
Luật sư đặt vấn đề rằng ông Đặng Mơ (cha ông Vũ) đã có bút lục để lại trước khi mất khẳng định rằng: "Thương hiệu Trung Nguyên do vợ chồng tôi và Vũ gầy dựng nên", bà Ước khẳng định một lần nữa: "Đúng rồi! Thương hiệu Trung Nguyên là do gia đình tôi sáng lập nên, không có sự góp phần của cô Thảo. Khi cô Thảo về cũng có góp sức nhưng tiền bạc thì không".
Bà Lê Thị Ước, mẹ ông Vũ tại phiên xử.
Trong phần nói về nghĩa vụ xã hội của Trung Nguyên đóng góp cho xã hội, ông Vũ nói: "Trung nguyên luôn dẫn đầu trong các phòng trào khởi xướng, khởi nghiệp, cổ động nước Việt nhỏ lớn, đủ loại và các kiểu... kể cả những chương trình thuyết phục các lãnh đạo". Lúc này, bà Thảo đứng dậy phản đối đề nghị đi vào đúng trọng tâm vụ án.
Lúc này, ông Vũ nói: "Tôi và gia đình đã sáng lập nên Trung Nguyên. Tôi là linh hồn của Trung Nguyên.... Khởi xướng là tôi cả. Nói ra rất đau lòng!", ông Vũ đưa ánh mắt gay gắt nhìn về phía người vợ.
Trong phiên xử trước, ông Vũ cũng nhiều lần khẳng định Trung Nguyên là quá trình khó khăn mà ông và gia đình gầy dựng, không hề có bóng dáng của bà Thảo. "Trung Nguyên nếu nói ra là của gia đình này, linh hồn nó là của tôi. Cô bịa ra những điều không phải sự thật. Không ai giành của cô cả....", Vũ đã hét lên giữa phiên tòa chiều hôm qua.
"Cô Thảo 3 lần yêu cầu đưa con tôi đi giám định tâm thần"
Luât sư Trương Thị Hòa cũng hỏi bà Ước về việc con dâu bà 3 lần yêu cầu đưa ông Vũ đi giám định tâm thần.
"Cô Thảo 3 lần yêu cầu đưa con tôi đi giám định tâm thần. Lần đầu tiên là yêu cầu đưa con trai tôi đi giám định tâm thần ở thành phố, ở quận 3. Một lần khác là giám định tâm thần ở bệnh viện Biên Hòa. Vũ ngồi ở bên trong, vợ chồng tôi ngồi ở ngoài thấy bao nhiêu là người tâm thần đi qua đi lại. Khám bệnh xong thì hội đồng y khoa kết luận con tôi không bị bệnh gì hết".
Lúc này, ông Vũ quay xuống nhắc mẹ: "Thôi thôi, đừng nhắc lại chuyện này nữa", thấy mẹ không dừng lại ông đưa tay nắm tay mẹ đề nghị không nói nữa. Bà Ước ngập ngừng một chút rồi nói tiếp: "Hai vợ chồng tôi đưa Vũ về nhưng cô Thảo vẫn không đồng ý, yêu cầu đưa đi giám định tâm thần một lần nữa. Vợ chồng tôi rất đau lòng!".
Ông Vũ liên tục quay xuống mẹ với vẻ mặt ngượng ngùng, nhẹ nhàng nhắc: "Thôi đi, nói chuyện này chi". Khi luật sư tiếp tục đặt câu hỏi, ông Vũ đứng lên ngăn lại: "Thôi được rồi, để tôi nói. Đừng bàn chuyện này nữa. Nó có trong hồ sơ hết rồi. Đừng bắt người mẹ của Qua phải nói nữa".
Ông chủ Tập đoàn cà phê Trung Nguyên nhăn mặt, liên tục lắc đầu nhắc luật sư của mình: "Không nên, không nên. Có gì thì hỏi tôi, đừng bắt người mẹ của tôi phải nói nữa".
Mẹ ông Vũ tố cáo bà Thảo ngăn cản không cho vào thăm cháu.
Khi luật sư xin phép được hỏi tiếp một số nội dung khác, bà Ước cho rằng gia đình bà đã bị con dâu ngăn cản về thăm các cháu. "Nghe tin 2 cháu lớn từ Úc về, chúng tôi xuống thăm thì bị cô Thảo cho bảo vệ chặn ở cửa. Hai vợ chồng tôi phải chờ ngoài đường cả tiếng đồng hồ chờ 2 cháu nhỏ đi về mới được kết hợp vào thăm.
Hai vợ chồng chỉ ở chơi được một thời gian ngắn thì các cháu ra sân bay...", bà Ước nói đến đây thì bị bà Thảo chặn lời, yêu cầu không được nói sai sự thật.
"Tôi phải nói hết. Cô Thảo không cho vô, đến giờ vô sân bay. Tối đến, cô Thảo nhắn tin: "Thời gian ông bà thăm các cháu không bằng thời gian đi toilet. Một người dâu như vậy thì khiến cha mẹ quá đau lòng.
Vợ chồng tôi muốn kết nối lại để cô Thảo về với gia đình, khuyên nhủ và năn nỉ cô Thảo nhiều lần. Nhiều lần nhờ mẹ cô Thảo ngăn cản cô Thảo lại nhưng không được...", bà Ước nói.
Lúc này, ông Vũ đứng lên yêu cầu luật sư tôn trọng, không đặt câu hỏi với mẹ mình nữa: "Tôi là người trong cuộc, mong được luật sư tôn trọng. Kết quả của phiên tòa này diễn ra như thế nào, mình không cần thiết nêu ra như vậy. Không cần đâu".
Trong phiên xử trước, ông Vũ cũng từng chỉ trích vợ rằng: "Có ai đem thông tin giả cho cơ quan chức năng? Có ai mà đưa chồng vào nhà thương điên? Không còn chút lương tri lương tính nào mà làm như vậy. Còn giữ mấy đứa con làm con tin nữa. Không ai làm điều này hết".
Đặng Lê Nguyên Vũ tiết lộ sách lược kinh doanh tại Tập đoàn Trung Nguyên