Nắng nóng và hạn hán nghiêm trọng trong năm nay ở Canada, nơi chiếm khoảng 2/3 thương mại lúa mì cứng trên toàn cầu, dự kiến sẽ khiến sản lượng của quốc gia Bắc Mỹ này giảm khoảng 3 triệu tấn xuống mức thấp hơn gần 50% so với năm 2020.
Sự kiện này chính là nguyên nhân đẩy giá lúa mì tăng vọt lên mức cao kỷ lục hơn một thập kỷ, làm dấy lên lo ngại về tình trạng lạm phát giá lương thực ở thời điểm mà nhiều nền kinh tế đang chật vật để hồi phục sau giai đoạn Covid-19.
Chỉ số giá thực phẩm của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 10 năm, trong đó giá bánh mì cũng tăng do giá lúa mì châu Âu tháng này đạt mức cao chưa từng có trong vòng 13 năm.
Giá lúa mì trong vài tuần qua liên tiếp tăng nhanh.
Tại Pháp, giá lúa mì trên sàn Paris ngày 11/11 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 14 năm do Nga có kế hoạch hạn chế xuất khẩu lúa mì (có thể tăng thuế xuất khẩu lúa mì hoặc đặt ra hạn ngạch đối với xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2021) khiến cho nhu cầu trên thị trường quốc tế đối với lúa mì của Liên minh Châu Âu có thể sẽ gia tăng, trong bối cảnh nguồn cung lúa mì bị cạn kiệt do xuất khẩu nhiều trong thời gian qua và sản lượng ở một số nước giảm trong mùa Hè năm nay.
Giá lúa mì xay xát kỳ hạn giao tháng 3/2022 trên Sàn Euronext (tại Paris) – hợp đồng giao dịch nhiều nhất - ngày 11/11 đạt 296,00 euro (339,39 USD)/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 9 năm 2007 và cao hơn mức kỷ lục 13,5 năm đạt được vào hôm thứ Tư (10/11), là 290 EUR/tấn. Hợp đồng lúa mì kỳ hạn tháng 12/2021 – giao dịch ít hơn kỳ hạn tháng 3 – cũng đạt mức cao kỷ lục, 300,5 EUR, vượt qua ngưỡng tâm lý là trên 300 euro.
Dan Basse, chủ tịch của AgResource Co, trụ sở ở Chicago, cho biết: "EU đang rơi vào tình trạng không thể xuất khẩu nhiều lúa mì. Vì vậy, giá lúa mì tại Paris đã bị đẩy lên mức cao kỷ lục mới".
Tại Mỹ, giá lúa mì đỏ cứng vụ đông hiện đang ở mức cao nhất trong vòng gần 9 năm do lo ngại về khả năng nguồn cung toàn cầu sẽ bị thắt chặt trong khi nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh. Lúa mì thường của Mỹ, kỳ hạn tháng 12, giao dịch trên sàn Chicago kết thúc phiên 11/11 tăng 9-1/2 US cent đạt 8,12-1/2 USD/bushel, trong phiên có lúc giá lên tới 8,24 – 3/4 USD, cao nhất kể từ tháng 12/2012.
Brazil đã hủy bỏ việc nhập khẩu bột mì từ Argentina - được làm bằng lúa mì biến đổi gen. Arlan Suderman, chuyên gia kinh tế hàng hóa thuộc StoneX, cho biết: "Brazil từ chối mua lúa mì Argentina) có thể đồng nghĩa với việc nhu cầu đối với lúa mì Mỹ sẽ tăng vọt, nếu họ sợ phản ứng dữ dội của người tiêu dùng", và "Cuối cùng thì lúa mì vẫn đến với người tiêu dùng. Quan trọng là người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận điều gì?"
Giá lúa mì tại Mỹ và Châu Âu cao kỷ lục nhiều năm.
Giá lúa mì Australia hiện đang ở mức cao kỷ lục, trong đó mức chênh lệch giá giữa loại APW (lúa mì trắng cứng có hàm lượng protein cao, được sử dụng để sản xuất nhiều loại mì khác nhau, bao gồm Hokkien, mì ăn liền và mì tươi, ...) và loại ASW (lúa mì trắng tiêu chuẩn của Australia, là sản phẩm lúa mì trắng có hàm lượng protein trung bình đến thấp, được sử dụng rất phổ biến) đã tăng nhanh lên mức 10 USD/tấn, so với 7 USD/tấn hồi đầu tháng 11, cho thấy mối lo ngại về chất lượng lúa mì sau khi những cơn bão xảy ra ở vành đai trồng lúa mì của Australia.
Giá lúa mì Australia cao kỷ lục.
Tình trạng nguồn cung lúa mì cứng đặc biệt đáng lo ngại. Tại Italy, quê hương của mì ống/spagetti, những dự báo về vụ mùa lúa mì của nước này – chủ yếu được mua bởi các nhà sản xuất mì ống – gần đây cũng liên tục bị điều chỉnh giảm. Thậm chí, các nhà sản xuất thực phẩm của Italy đang phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn khi không chỉ mì mà giá các hàng hóa khác cũng tăng mạnh.
Giá các loại lúa mì khác cũng không tránh khỏi việc tăng giá theo lúa mì cứng, ảnh hưởng tới các nhà chế biến bột mì, trong bối cảnh lạm phát giá tiêu dùng vốn đã tăng nóng.
Tại Pháp, giá những chiếc bánh mì dài bán tại các cửa hàng trên khắp nước này đã tăng thêm 3 - 5 xu mỗi chiếc, tương đương 1.000 đồng Việt Nam, từ mức trung bình 23.000 đồng. Mức tăng giá này nghe có vẻ không đáng kể, nhưng nếu so với mức tăng tổng cộng chỉ 23 xu trong suốt 20 năm qua, thì lần tăng giá này thực sự là một cú sốc với những người yêu bánh mì Pháp.
Đầu năm nay, Chính phủ Nga đã đánh thuế xuất khẩu lúa mì để hạ nhiệt giá trên thị trường trong nước. Bất chấp điều đó, xuất khẩu lúa mì của nước này vẫn tăng mạnh. Trong khi đó, tại EU, mặc dù năm nay mất mùa, song dữ liệu thống kê cho thấy xuất khẩu lúa mì của khu vực vẫn tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc nhiều khách hàng tích cực mua lúa mì gần đây, trong đó có Saudi Arabia – mua hơn 1,2 triệu tấn lúa mì hôm 1/11, gây bất ngờ lớn cho thị trường - cũng góp phần đẩy giá tăng lên.
Sản lượng lúa mì Canada giảm đúng lúc dự trữ lúa mì cứng trên toàn cầu ở mức thấp nhất 6 năm, một phần do việc người dân tăng cường tích trữ mì ống tại nhà trong mùa dịch bệnh.
Sản lượng lúa mì cứng của Italy năm nay tăng vượt trội so với năm 2020, song Ủy ban Châu Âu hồi tháng 10 đã hạ dự báo về tổng sản lượng của khu vực này xuống 3,7 triệu tấn, từ mức 4,3 triệu tấn dự báo trước đây, khiến các nhà sản xuất mì ống gây lo ngại tình trạng khan hiếm lúa mì cứng sẽ kéo dài tới nửa đầu năm 2022.
Vincenzo Divella, giám đốc điều hành của thương hiệu mì ống Divella cho biết: "Tình hình với lúa mì cứng là rất nghiêm trọng.", và "Thị trường sẽ còn kịch tính hơn hiện tại vì lúc này chúng tôi không thể tìm mua được lúa mì sản xuất trong nước".
Năm nay, giá một số loại cây trồng đã tăng vọt do mất mùa và chi phí trong chuỗi cung ứng gia tăng, nhưng những căng thẳng đang xảy ra với thị trường lúa mì cứng đặc biệt gay gắt khi giá xuất khẩu đã tăng gần gấp đôi kể từ tháng 6.
Nhà phân tích Severine Omnes-Maisons của Strategie Grains cho biết, một số nhà chế biến mì ống ở Italy có nguy không còn nguyên liệu để sản xuất khi vụ mùa trong nước đã kết thúc, đồng nghĩa với mấy tháng tới sẽ không còn nguồn cung nguyên liệu cho đến vụ thu hoạch tiếp theo. Ông cho biết: "Đối với giá cả và tình trạng khan hiếm lúa mì cứng thì những điều tồi tệ nhất vẫn còn ở phía trước."
Tham khảo: Barrons, Reuters, S&P