Tồn kho 600.000 tấn
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), cuối niên vụ 2017/2018, các nhà máy đường cả nước dự kiến kế hoạch tổng diện tích mía cung cấp cho nhà máy gần 240.000 ha với năng suất đạt 68,3 tấn/ha, tổng sản lượng mía đạt gần 15,5 triệu tấn. Tuy nhiên, thực tế kết quả niên vụ 2018/2019 đạt được không như kế hoạch đề ra vì diện tích giảm, có nơi giảm đến 20 - 30%. Năng suất mía cũng giảm so với kế hoạch, chỉ đạt 63,42 tấn/ha…
Về chế biến, niên vụ 2018/2019, các nhà máy đường đã ép được hơn 12,2 triệu tấn mía, sản xuất được hơn 1,17 triệu tấn đường. Đáng chú ý, tồn kho tại các nhà máy đường đến khi kết thúc vụ khoảng 600.000 tấn. 2019 vẫn là năm có lượng tồn kho cao trong các năm gần đây. Về giá đường, theo VSSA, hiện giá sản xuất đường tại Việt Nam cao hơn tại Thái Lan từ 100.000 - 200.000 đồng/tấn.
Ngoài các nội dung trên,VSSA còn đưa ra con số ước tính lượng đường nhập lậu vào Việt Nam từ năm 2018 đến cuối tháng 9/2019 khoảng trên 800.000 tấn. Số lượng này tương đương với khoảng 50% nhu cầu cả nước, khiến đường trong nước không tiêu thụ được, góp phần tăng lượng đường tồn kho của các DN.
"Tác động của đường nhập lậu và gian lận thương mại khiến giá đường xuống thấp, làm cho giá mía thấp theo, bà con nông dân chuyển đổi cây trồng khác. Đó là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sụt giảm lượng mía nguyên liệu. Bên cạnh đó, một số vùng bị hạn hán làm giảm cả diện tích lẫn năng suất và chất lượng mía. Một số nơi bị sâu bệnh cũng làm ảnh hưởng năng suất và chất lượng…", đại diện VSSA phân tích.
Có thể thấy, 2018/2019 là niên vụ khá "thất bát" với ngành mía đường, song khó khăn chưa dừng lại ở đó. Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 23/2019/TT-BCT quy định việc không áp dụng hạn ngạch thuế quan NK đường có xuất xứ từ các nước ASEAN, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Điều này đồng nghĩa với việc, chỉ hơn 1 tháng nữa, đường nhập từ ASEAN có thể ồ ạt tràn vào Việt Nam, gây thêm áp lực cạnh tranh không nhỏ cho ngành mía đường nội địa. Thậm chí, không ít ý kiến bày tỏ lo ngại, ngành mía đường Việt Nam có thể sụp đổ bởi không thể vượt qua áp lực này.
Áp dụng phòng vệ thương mại khi cần
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá: Với ngành mía đường, Việt Nam là quốc gia cuối cùng của ASEAN thực hiện mở cửa thị trường cho các nước tham gia trong nội khối. Thực tế năng lực cạnh tranh của ngành mía đường đang rất hạn chế do nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan. Cụ thể như, năng lực cạnh tranh và lợi thế của của các nước như Thái Lan, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ… lớn hơn hẳn so với mía đường Việt. Bên cạnh đó, vấn đề về đường nhập lậu đang trở thành nguy cơ lớn với quy mô ngày càng gia tăng và được tổ chức tinh vi. "Đây chính là trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước của lực lượng Quản lý thị trường và của Bộ Công Thương", vị "tư lệnh" ngành Công Thương thẳng thắn thừa nhận.
Bộ Công Thương khẳng định, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, Hiệp hội Mía đường Việt Nam nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, quản lý NK phù hợp với cam kết quốc tế để đảm bảo cạnh tranh công bằng, bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước nếu có sự gia tăng đột ngột của hàng NK dẫn đến thiệt hại cho các DN Việt Nam.
"Chính phủ đã thống nhất tiếp tục thực hiện quyết định mở cửa thị trường thị trường đường vào ngày 1/1/2020. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập còn có cơ chế, những công cụ pháp lý để đảm bảo bảo vệ được kế hoạch sản xuất trong nước. Nếu như trong một thời điểm sau khi mở cửa thị trường, các mặt hàng đường NK nhập vào Việt Nam gây ra đe doạ nghiêm trọng đến ngành sản xuất trong nước và lợi ích của người dân trong nước, chúng ta có quyền quyền áp dụng cơ chế phòng vệ, áp thuế tự vệ cho các sản phẩm NK để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Để nâng cao nội lực thực sự cho ngành mía đường Việt Nam, từ góc độ ngành nông nghiệp, "tư lệnh" ngành nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường cho hay: Các nhóm giải pháp mà Bộ NN&PTNT đưa ra là cùng Hiệp hội Mía đường Việt Nam tập trung rà soát các khâu trong sản xuất mía đường; cơ cấu lại nhà máy đường... Ví dụ với khâu giống, mục tiêu đưa ra là cố gắng trong thời gian ngắn nhất khoảng 2 - 3 năm phủ kín 100% diện tích để đẩy năng suất cây mía từ 66 tấn/ha lên 80 - 100 tấn/ha. Về nhà máy, hiện nay, cả nước có 41 nhà máy với tổng trữ lượng gần 2 triệu tấn, trong đó chỉ 31 nhà máy có công suất 3.000 tấn/ngày. Vì vậy ngành mía đường phải kiện toàn để đảm bảo có đủ nhà máy có sức mạnh, quy mô nhất định, đủ năng lực cạnh tranh về công suất.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: "Điểm rất quan trọng là chuỗi giá trị ngành mía đường phải dài ra. Chúng ta phải tận dụng tốt chuỗi giá trị này. Ngoài sản phẩm đường, ngành hàng này hiện còn nhiều sản phẩm phụ, điển hình như bã mía chưa được tận dụng tốt".