Ông Lô Văn Quang ở bản Boong, xã Lạng Khê (huyện Con Cuông) cho biết, niên vụ mía 2017 - 2018 gia đình ông trồng 3 sào (1.500m2) mía ROC10. Đến thời điểm đầu tháng 1/2018, mía bắt đầu trỗ cờ trong khi Nhà máy Mía đường Sông Lam chưa thu mua kịp. Đến nay gần như toàn bộ diện tích mía của gia đình ông đã trỗ cờ, năng suất và chữ đường sẽ bị giảm.
“Niên vụ trước, mía có trỗ cờ nhưng không đáng kể, nhà máy thu mua trước Tết Nguyên đán nên không ảnh hưởng nhiều đến năng suất. Nhưng năm nay, nhà máy nói sẽ thu mua mía lưu gốc và chín sớm ở khu vực bên kia sông trước còn ở bên này phải ra năm mới thu hoạch. Cả bản có 15ha mía thì nay diện tích trỗ cờ chiếm khoảng 50%. Hi vọng nhà máy đến thu mua sớm để nông dân đỡ thiệt thòi”, ông Quang cho biết.
Được biết, xã Lạng Khê chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, mía là cây trồng chủ lực với 127ha. Việc mía trỗ cờ trong khi Công ty CP Mía đường Sông Lam chưa đến thu mua sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.
“Năng suất mía giảm còn 50 - 60 tấn/ha vài năm gần đây khiến cuộc sống người dân thêm khó khăn. Chúng tôi chưa thống kê nhưng diện tích trỗ cờ đã xuất hiện nhiều hơn năm trước. Trong khi đó, Công ty Mía đường Sông Lam trả lời do diện tích sân bãi ít nên không thể thu mua cùng lúc được”, ông Vi Đình Tuyển, Chủ tịch UBND xã Lạng Khê cho biết.
Theo thống kê, toàn huyện Con Cuông có gần 400ha mía nguyên liệu. Trong đó có khoảng 20% diện tích đã trỗ cờ. Lãnh đạo Phòng NN-PTNT huyện Con Cuông cho biết, hiện Công ty Mía đường Sông Lam mới vào vụ ép được 5 tuần, chậm hơn năm trước 3 - 4 tuần. Những năm trước, công ty thu mua mía cuốn chiếu từ xa tới gần và đến thời điểm này đã tiến sát vùng nguyên liệu gần nhà máy. Thế nhưng, năm nay, do thời tiết bất thuận khiến mía trỗ cờ sớm. Mưa lũ triền miên, nhiều tuyến đường xuống cấp cũng khiến việc thu mua mía gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, ông Phan Văn Hòa, Giám đốc Nông nghiệp Công ty Mía đường Sông Lam lại khẳng định, năm nay công ty bước vào vụ ép sớm hơn năm trước (?).
“Một số giống mía chín sớm rất mẫn cảm với thời tiết, gặp điều kiện bất thuận nên bị trỗ cờ nhưng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến năng suất. Năm nay, do mía trỗ cờ, dù ép sớm hơn năm trước nhưng mía chưa chín, chữ đường chưa bao giờ thấp như thế này. Nhưng chúng tôi đã cam kết với người dân sẽ thu mua xô với giá 850.000 đồng/tấn, không căn cứ theo chữ đường vì vậy nông dân sẽ không phải chịu thiệt. Chúng tôi sẽ kết thúc việc thu mua mía trước Tết Nguyên Đán”, ông Hòa cho biết.
Ảnh: Văn Dũng |
Ông Hòa cũng cho biết thêm, vùng nguyên liệu của Công ty Mía đường Sông Lam có diện tích 1.500ha tập trung tại các huyện Anh Sơn, Con Cuông… với tổng sản lượng khoảng 70 nghìn tấn và đã thu mua được khoảng 20 nghìn tấn. Đến thời điểm giữa tháng 1/2018, vùng nguyên liệu của công ty đã có 40% diện tích mía bị trỗ cờ, chủ yếu tập trung vào các giống chín sớm như MI, QD9159, ROC10, VD76, VD63…
Để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động đến năm 2020 là 15.500 tấn/ngày thì diện tích quy hoạch trồng mía đứng tại Nghệ An đến năm 2020 là 30.348ha. Trong đó NASU hơn 16.500ha, Sông Con hơn 12.300ha, Sông Lam 2.700ha.
Tuy nhiên, vài năm lại đây, hiệu quả kinh tế của cây mía có chiều hướng giảm, nông dân tự ý chuyển đổi sang cây trồng khác, quy hoạch chồng chéo khiến tình trạng tranh mua, tranh bán nguyên liệu diễn ra khác phức tạp.
Liệu đây có phải là một phần căn nguyên của việc các công ty mía đường tập trung thu mua mía nguyên liệu ở các vùng xa, chậm trễ vùng gần nhà máy dẫn đến trỗ cờ?
Dù ngành nông nghiệp địa phương không có số liệu thống kê cụ thể nhưng theo tìm hiểu của PV, hiện tượng mía trỗ cờ tại Nghệ An niên vụ ép 2017 - 2018 tương đối phổ biến và đã xuất hiện tại các huyện Con Cuông, Anh Sơn, Tân Kỳ… Trước tình hình này, các công ty mía đường tại Nghệ An cần có chính sách hỗ trợ để nông dân yên tâm đầu tư vào loại cây trồng này. |