Miền Bắc sẽ được xem xét cơ chế khuyến khích đầu tư điện mặt trời riêng
Ngày 22/2, Bộ Công thương thông tin, vừa có văn bản số 828 xin ý kiến các bộ ngành liên quan đối với dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII).
Cụ thể, dự thảo cho hay, đến hết năm 2020, nguồn điện mặt trời nối lưới đã được đưa vào vận hành lên đến khoảng 9.000 MW. Trong đó, tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận chiếm gần 3,5GW. Quy mô công suất các dự án điện mặt trời đã được bổ sung vào quy hoạch là trên 13 GW, tổng quy mô đăng ký xây dựng nhưng chưa được bổ sung khoảng 50 GW.
Nhìn chung, tổng tiềm năng kỹ thuật của điện mặt trời rất lớn, lên đến 1.646 GW. Song, nếu xét thêm về điều kiện khả năng xây dwgj và tiềm năng kinh tế theo từng tỉnh thì tổng quy mô tiềm năng có thể phát triển của điện mặt trời toàn quốc khoảng 386GW, trong đó tập trung chủ yếu khu vực miền Nam, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, tổng tiềm năng điện mặt trời áp mái toàn quốc cũng lên đến 48GW, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam (22GW). Dự thảo nhận định, sau năm 2035, nhu cầu điện của miền Bắc sẽ vượt miền Nam bởi nhu cầu điện miền Bắc có tốc độ tăng trưởng cao hơn miền Nam trong những năm tới.
Thực tế, các dự án nguồn điện đăng ký ở miền Bắc không nhiều, vị trí tiềm năng xây dựng nguồn nhiệt điện hạn chế, tiềm năng điện gió và điện mặt trời không lớn. Vì vậy, từ năm 2023, khu vực miền Bắc sẽ phải nhận điện từ miền Trung và Bắc Trung Bộ, dẫn đến việc khu vực này sẽ được xem xét cơ chế khuyến khích đầu tư điện mặt trời cũng như năng lượng tái tạo.
Công suất đăng ký điện mặt trời quá lớn
Theo dự thảo, so với quy hoạch điện VII điều chỉnh, trong giai đoạn đến 2030, chương trình phát triển nguồn điện của Quy hoạch điện VIII có những thay đổi lớn như: phát triển với quy mô lớn nguồn điện gió với công suất gấp 3 lần, công suất nguồn điện mặt trời gần gấp 2 lần.
Tuy nhiên, công suất đăng ký các nguồn điện này hiện quá lớn so với quy hoạch. Liên quan đến điện mặt trời, năm 2030, , kết quả tính toán tối ưu ở khu vực Tây Nguyên đạt khoảng 1500 MW, nhưng tổng công suất đã và đang đăng ký đầu tư là 5500 MW, khu vực Nam Trung Bộ tính toán đạt khoảng 5200 MW nhưng đã đăng ký tới 11600 MW, khu vực Nam Bộ dự kiến đạt khoảng 9200 MW nhưng đã đăng ký 14800 MW.
Liên quan đến điện gió, ăm 2030, chương trình phát triển nguồn điện tối ưu đề xuất khu vực Tây Nguyên là 4000 MW nhưng đã đăng ký là 10000 MW, khu vực Nam Bộ đề xuất 6.800 MW nhưng đã đăng ký lên tới 17.000 MW.
Dự thảo kết luận, nếu không tính toán tối ưu một cách tổng thể, dài hạn, rất có thể sẽ dẫn đến việc đầu tư mất cân đối nguồn điện vùng miền, gây khó khăn trong vận hành hệ thống điện và lãng phí trong đầu tư hạ tầng lưới điện, hậu quả là tổn thất lâu dài về kinh tế - xã hội.