Đó là thông tin ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho biết trong chuyến kiểm tra tiến độ thi công dự án vào ngày 16-9.
Theo ông Hoàng, việc thông tuyến này nhằm chia sẻ khó khăn với người tham gia giao thông về miền Tây trước tình trạng kẹt xe trên QL1 (qua tỉnh Tiền Giang).
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, kiểm tra tiến độ thi công dự án vào ngày 16-9
"Việc thông tuyến này, trong hợp đồng đã ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư không có quy định bắt buộc chúng tôi phải đáp ứng việc thông tuyến cho xe cộ có thể lưu thông. Nhưng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và để phục vụ cho người dân, chúng tôi đã cam kết là sẽ thông tuyến vào cuối năm nay, hướng tới mục tiêu phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán, giảm bớt tai nạn và ùn tắc. Chúng tôi muốn chia sẻ để người dân ĐBSCL về quê ăn Tết cũng như quay trở lại làm việc sẽ đỡ vất vả hơn" - ông Hồ Minh Hoàng nói.
Thời gian qua, dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đối mặt với rất nhiều thách thức như: dịch bệnh, hạn hán, xâm nhập mặn, các đập ngăn mặn cản trở đường vận chuyển vật tư vật liệu và khan hiếm cát, đá, đất đắp bao… Các yếu tố này góp phần đẩy giá vật liệu tăng cao, làm tăng chi phí xây dựng và một số phát sinh khác do thay đổi thiết kế, phát sinh đường gom, cầu tạm cũng làm cho chi phí xây dựng dự án tăng. Tuy nhiên, đến nay, chi phí xây dựng vẫn nằm trong sự kiểm soát, không vượt tổng mức đầu tư.
Hiện Bộ GTVT chưa quyết định về vị trí đặt trạm thu phí trên tuyến cao tốc này để chủ đầu tư có thể thiết kế thi công kịp tiến độ đưa dự án vào khai thác.
Theo nhà đầu tư, dự án đã hoàn thành 65% khối lượng công việc
Doanh nghiệp đã nhiều lần gửi văn bản đến tỉnh Tiền Giang nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi về vị trí đặt trạm cũng như quy mô của trạm thu phí. Trong lần thứ 3 đến thị sát, kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận vào ngày 31-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo giao Bộ GTVT sớm thống nhất với nhà đầu tư và UBND tỉnh Tiền Giang về vị trí trạm thu phí của cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.
Bà Nguyễn Thị Thanh Phương - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang - cho biết: Về chủ trương, tỉnh Tiền Giang ủng hộ quan điểm đề xuất điều chỉnh 2 vị trí trạm thu phí ở đầu và cuối tuyến theo đề xuất của doanh nghiệp để phù hợp tình hình thực tế hiện nay. Tuy nhiên, về quy chế quản lý nhà nước thì phải có ý kiến của Bộ GTVT và đến nay Bộ vẫn chưa có ý kiến gì.
Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận sau hơn 1 năm thi công, khối lượng công việc đã đạt được gần 65%, với 31/36 gói thầu xây lắp đã triển khai thi công; 5 gói thầu còn lại (chiếu sáng, trạm thu phí, ITS,..) sẽ triển khai theo tiến độ dự án. Các nhà thầu đã tiến hành rải thử nghiệm cấp phối bê tông nhựa C19 ở nút giao Thân Cửu Nghĩa. Tháng 9-2020 thi công đại trà tại gói thầu XL04 và gói thầu XL19. Ở cuối tuyến đã tiến hành thảm nhựa từ Km0+000 đến Km0+550 ở bên phải tuyến QL30.