Cung không đủ cầu
Thời gian qua, theo phản ánh của các nhà thầu thực hiện các dự án trên địa bàn TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tình trạng thiếu vật liệu san lấp và giá cả rất đắt đỏ khiến các nhà thầu thua lỗ, gặp khó khăn về tiến độ khi thi công các công trình.
Đại diện một nhà thầu ở Đà Nẵng cho biết, nhu cầu vật liệu san lấp cho các công trình trên địa bàn thành phố hiện nay là rất lớn, nhưng nguồn cung lại hạn chế. Đặc biệt, hiện chi phí nhiên liệu tăng cao kéo theo cước vận chuyển tăng, dẫn tới giá vật liệu san lấp tới chân công trình vượt xa so với giá đấu thầu.
"Nếu như trước đây, mức giá trúng thầu dự án mỗi m3 đất san lấp chưa đến 50.000 đồng, thì nay mức giá này đã tăng lên gấp nhiều lần mà vẫn không có nguồn vật liệu san lấp. Đẩy các nhà thầu vào tình cảnh thua lỗ", người này nói và mong muốn, cơ quan chức năng cho phép mở thêm nhiều mỏ đất để cung cấp vật liệu san lấp, đẩy nhanh tiến độ dự án.
Hay tại huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam), dự án đường tránh lũ đi qua địa bàn thị trấn Nam Phước, với tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng "đứng bánh" nhiều năm nay. Nguyên nhân là do không có nguồn đất để đắp, phục vụ công trình.
Ông Nguyễn Thế Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) cho biết, dự án hiện đã xây dựng cầu hoàn thành 2 năm nay, tuy nhiên phần đường vẫn không có đất san lấp để đắp. Theo báo cáo của các nhà thầu, để thi công đắp đất cho cả dự án này, nhà thầu lỗ khoảng 30 tỷ đồng (theo giá hiện tại so với giá dự thầu). Tuy nhiên, bài toán khó nhất vẫn là không có đất san lấp để phục vụ công trình.
Ông Đức cho biết, ngoài dự án trên, hầu hết các dự án liên quan đến đất san lấp trong năm 2023 trên địa bàn huyện đều bị ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, như: các tuyến đường DH4, DH16; Cụm công nghiệp Tây An…
"Hiện nay trên địa bàn huyện, mỏ san lấp và đất làm đường đạt tiêu chuẩn K95 và K98 không còn mỏ nào, trong khi đó các địa phương lân cận lại khan hiếm nguồn cung, không đáp ứng đủ nhu cầu. Do đó, trên cơ sở phê duyệt 41 danh mục khoáng sản trên địa bàn tỉnh, địa phương đang khẩn trương đưa một mỏ đất san lấp với trữ lượng khoảng 500.000m3 vào hoạt động", ông Đức nói và cho biết thêm, thủ tục để đưa một mỏ khoáng sản vào hoạt động tốn rất nhiều thời gian, để giải quyết vấn đề trước mắt là không dễ dàng.
Trữ lượng vẫn còn rất lớn
Tình trạng khan hiếm và tăng giá nguồn vật liệu xây dựng thông thường đã diễn ra âm ỉ trong nhiều năm nay, và bùng nổ trong những tháng đầu năm 2023. Mặc dù các trữ lượng ở địa phương vẫn còn rất nhiều, song tình trạng thiếu hụt vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, do nhiều nguyên nhân.
Theo Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, tính đến ngày 24/2, trên địa bàn tỉnh còn 46 giấy phép khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường (cát, đất san lấp, đá) và 24 tổ chức, cá nhân đang thực hiện các hồ sơ, thủ tục liên quan để xin cấp giấy phép khai thác, với trữ lượng (đã được phê duyệt hoặc dự kiến đưa vào thiết kế khai thác) khoảng hơn 1 triệu mét khối cát, gần 800 nghìn mét khối đất san lấp.
Ngoài ra, còn có 41 mỏ theo quy hoạch đã được phê duyệt. Trữ lượng dự kiến là khoảng 11 triệu mét khối đất san lấp (20 khu vực), 2,5 triệu mét khối cát (14 khu vực), 410 nghìn mét khối đá (3 khu vực) và 4 khu đất sét với hơn 2 triệu mét khối.
Theo Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, nhiều năm qua các địa phương vẫn không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Nguồn cung cát, sỏi chủ yếu tập trung trên sông Vu Gia, Thu Bồn thuộc Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc.
Chủ trương UBND tỉnh không cho gia hạn giấy phép khai thác, kèm theo đôn đốc 3 địa phương này tổ chức đấu giá những khu vực cát, sỏi được duyệt, bảo đảm các điều kiện cấp phép thăm dò, khai thác. Tuy nhiên, đến nay chưa có địa phương nào cho đấu giá.
"Số lượng giấy phép khai thác đã giảm đáng kể. Một số mỏ đất, đá đã được doanh nghiệp thăm dò, trình phê duyệt trữ lượng, xin chủ trương đầu tư nhưng vướng dù chỉ một phần diện tích nằm trong quy hoạch rừng sản xuất tạm thời bị cấm hoạt động khoáng sản nên không được cấp chủ trương đầu tư", Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam thông tin và cho rằng, các mỏ khoáng sản đem ra đấu giá nếu thành công, cũng phải mất hơn 1 năm mới có thể có được giấy phép khai thác.
Trong khi đó, tại Đà Nẵng, theo tìm hiểu, tháng 12/2021, TP. Đà Nẵng công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn đợt 1 năm 2021 đối với hai doanh nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, trải qua nhiều tháng, các doanh nghiệp trúng đấu giá vẫn chưa đưa mỏ vào khai thác khiến tình trạng khan hiếm vật liệu đắp nền tại các dự án của TP. Đà Nẵng chậm được giải quyết.
Theo Sở TN&MT TP. Đà Nẵng, theo quy hoạch sau năm 2020, hiện nay Đà Nẵng còn lại 10 mỏ đá được tiếp tục hoạt động, gồm: Phước Thuận, Suối Mơ 2, Hố Bạc 3, Trường Bản, Hóc Già Hạnh, Hố Mùn 2, Sơn Phước, Hố Chuồn, Hố Lưỡi Mèo 1, Phước Nhân với tổng trữ lượng đá hằng năm là 808.000m3.
Trong thời gian tới, thành phố sẽ quy hoạch khai thác đá xây dựng tại 14 khu vực với tổng diện tích 550 ha, tổng trữ lượng và tài nguyên dự báo quy hoạch là 84 triệu m3 đá. Về đất san lấp, thời gian tới, thành phố đưa vào quy hoạch khai thác đất san lấp tại 8 khu vực với tổng diện tích 714 ha, tổng trữ lượng và tài nguyên dự báo quy hoạch là hơn 71 triệu m3 đất. Với quy hoạch như vậy thì bảo đảm nguồn vật liệu xây dựng (đất, đá) phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian tới.
Hay tại cao tốc Bắc - Nam (đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn), Ban điều hành dự án cho biết, theo tính toán, tổng nhu cầu vật liệu (đất, cát, đá..) cần khoảng 13,9 triệu m3, tuy nhiên trữ lượng ở các mỏ không đáp ứng đủ nhu cầu khai thác phục vụ thi công. Hiện nay, vẫn còn 4 mỏ với trữ lượng khoảng 1,23 triệu m3 sử dụng cho dự án chưa được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt quy hoạch.
Mặc dù, Chính phủ đã có chỉ đạo để tháo gỡ nhưng đến nay các địa phương vẫn chưa xác định rõ thẩm quyền thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng đối với mỏ vật liệu thông thường. Ngoài ra, đối với các mỏ thương mại, các chủ mỏ đang có hiện tượng găm hàng...
(Còn tiếp)