Hội đồng Tư vấn Du lịch và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân vừa có văn bản gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất về chính sách miễn thị thực cho khách quốc tế đến Việt Nam.
Theo văn bản, trong 2 năm trở lại đây, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng ngành du lịch rất ấn tượng, năm 2017, 13 triệu khách quốc tế đến Việt Nam. Trong sự tăng trưởng mạnh mẽ đó thì khách du lịch Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm trên 50%. Thời gian lưu trú của đối tượng khách này lên tới 10 ngày với mức chi tiêu bình quân chưa tới 900 USD/người.
Trong khi đó, khách du lịch từ châu Âu lưu trú trung bình 15 ngày hoặc dài hơn với mức chi tiêu bình quân là 1.400 - 1.600 USD/người. Khách du lịch đến từ Bắc Mỹ, Úc và New Zealand cũng có mức chi tiêu cao tương tự, thời gian lưu trú lâu hơn.
Hội đồng Tư vấn du lịch và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho rằng cần có biện pháp để thay đổi cơ cấu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam để hướng đến những thị trường mà khách du lịch có khả năng chi tiêu cao hơn.
Nghị quyết 08 được Bộ Chính trị thông qua xác định đến năm 2020, ngành du lịch phải đón được 18,5 triệu khách quốc tế, doanh thu 20 tỷ USD. Do đó, Hội đồng tư vấn Du lịch kiến nghị cần phải từng bước tăng chi tiêu trực tiếp bình quân khách du lịch từ 860 USD/người năm 2016 lên mức 1.080 USD/người.
"Giải pháp đơn giản nhất để đạt được mục tiêu này là có một chính sách hỗ trợ và cởi mở hướng tới khách du lịch từ những thị trường chi trả cao. Việc gia hạn miễn thị thực cho công dân của 5 quốc gia châu Âu và các nước châu Âu còn lại. Đồng thời nâng cao thời hạn thị thực lên 30 ngày thay vì 15 ngày, sẽ tạo điều kiện cho khách công vụ và khách du lịch nói chung", văn bản nêu.
Theo Hội đồng Tư vấn Du lịch, từ khi có chính sách miễn thị thực này, mức tăng trưởng trung bình hàng năm của lượt khách từ các quốc gia nói trên đã tăng trên 20%. Do đó, đơn vị này kiến nghị Thủ tướng gia hạn miễn thị thực trong vòng 5 năm và không phải xem xét lại hàng năm với 5 nước châu Âu.
"Chúng tôi không nhận thấy giá trị gì trong việc hạn chế khách du lịch quay trở lại Việt Nam trong vòng 30 ngày, và rào cản này nên được dỡ bỏ", Hội đồng Tư vấn Du lịch khuyến nghị.
Đặc biệt, đơn vị này cũng đề cập đến việc áp dụng thị thực điện tử (E- Visa) cần được đẩy mạnh, trang web tốc độ cao hơn, đổi tên miền cho rõ ràng tránh nhầm lẫn, bổ sung thêm các nước và vùng lãnh thổ được tham gia visa điện tử (Đài Loan, Hồng Kông, Thuỵ Sĩ, Bỉ).
Hội đồng Tư vấn Du lịch nhận định về lâu dài du lịch Việt Nam có thể vượt qua Thái Lan với vị thế là một điểm đến du lịch, con số 20 tỷ USD doanh thu năm 2020 có thể vượt qua nếu như các giải pháp cải thiện về thị thực và mở cửa đối với các thị trường trọng điểm được áp dụng.
Theo thống kê, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines đều miễn thị thực cho hơn 160 nước. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ hạng thấp nhất với chỉ 24 quốc gia được miễn thị thực. Campuchia, Lào, Myanmar thậm chí còn phát triển hệ thống cấp thị thực tại cửa khẩu hiệu quả, mọi người có thể đến và nhận thị thực chỉ trong vòng 5 phút.
Trong khi đó, tại Việt Nam, chỉ miễn thị thực trong vòng 15 ngày (các nước thường 30 ngày) và không cho phép khách đã được miễn thị thực quay trở lại trong vòng 30 ngày.
"Việt Nam có thể được hưởng lợi đáng kể nếu mở rộng miễn thị thực với các nước Canada, New Zealand, Úc, Thuỵ Sĩ, Hà Lan và Bỉ. Số lượt khách có thể tăng 8-10%, doanh thu trực tiếp có thể tăng thêm 101 triệu USD - cao hơn rất nhiều so với số tiền phí thị thực thất thu là 17 triệu USD", Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho hay.
Một nghiên cứu được kiến nghị lên Thủ tướng của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân