Theo Bản tin mới nhất của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), tháng 1/2023, với sản lượng sản xuất trên 326.400 tấn và sản lượng bán hàng trên 304.200 tấn, Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG) đã nâng thị phần thép xây dựng từ khoảng 35% cuối năm 2022 lên 36,05%, dẫn đầu các doanh nghiệp thép trong nước.
Thị phần của Hòa Phát lớn gấp hơn 2 lần doanh nghiệp đứng vị trí số 2 là Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel - Mã: TVN). Trong tháng 1, VNSteel sản xuất gần 127.400 tấn và tiêu thụ hơn 130.200 tấn thép xây dựng, chiếm 15,43% toàn ngành. Các doanh nghiệp xếp sau lần lượt là Formosa Hà Tĩnh, Posco Yamato Vina và Ống thép Việt Đức.
Hiệp hội thép Việt Nam đang có 100 thành viên, và với 36,05% thì thị phần trong tháng 1 của Hòa Phát không chỉ cao hơn tổng thị phần của 4 doanh nghiệp trong top 5, mà thậm chí còn cao hơn tổng thị phần của 95 công ty ngoài top 5.
Việc Hòa Phát mở rộng thị phần diễn ra trong bối cảnh toàn ngành thép vẫn đang suy yếu.
Theo VSA, tháng 1/2023, sản xuất thép thành phẩm đạt 1,95 triệu tấn, giảm 8,64% so với tháng 12/2022 và giảm 23,7% so với cùng kỳ 2022; bán hàng thép các loại đạt 1,773 triệu tấn, giảm gần 18% so với tháng trước và giảm 27,1% so với cùng kỳ.
Riêng với thép xây dựng , tình hình sản xuất trong tháng đầu năm cũng suy giảm so với các tháng trước do trùng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán.
Cụ thể, sản lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 1/2023 đạt 875.830 tấn, giảm 22% so với cùng kỳ 2022. Bán hàng đạt 844.110 tấn, giảm 19,8% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu thép xây dựng đạt 147.563 tấn, chỉ bằng 63,6% so với tháng 1/2022.
Song do giá vật liệu tăng nhiều khiến các nhà máy trong nước tăng giá bán nhiều lần để bù lại giá thành sản xuất và giảm lỗ. Đơn cử, Hòa Phát cũng đã nâng giá thép HRC từ 595 đô lên 650 đô/tấn (tăng 55USD/tấn), nguyên nhân chủ yếu do nguyên liệu đầu vào tăng.
Chia theo khu vực địa lý, tiêu thụ thép xây dựng ở miền Bắc giảm 7%, miền Nam giảm 25,8%, miền Trung giảm 20,7 và xuất khẩu giảm 36,5%. Theo cơ cấu mặt hàng, thép cuộn, thép thanh và thép hình cũng đồng loạt giảm 2 chữ số.
Ngay chính Hòa Phát, dù thị phần cải thiện nhưng do cả hai kỳ nghỉ tết Dương lịch và Tết Nguyên đán đều nằm trong tháng 1, nhu cầu thị trường vật liệu xây dựng nói chung và sắt thép nói riêng đều thấp đã kéo sản lượng sản xuất và bán hàng của doanh nghiệp đều giảm đáng kể so với cùng kỳ.
Một báo cáo mới đây của SSI Research cho biết Tập đoàn Hòa Phát đang xem xét khởi động lại 3 lò cao còn lại trong nửa đầu năm 2023. Trước đó, theo nguồn tin từ công ty tư vấn Kallanish Commodities Ltd., từ ngày 27/12/2022, Hòa Phát (HPG) đã bắt đầu khởi động lại một lò cao ở Hải Dương và nâng công suất thép thanh thêm 700.000 tấn/năm. Lò cao này sẽ mất 7 ngày để bắt đầu sản xuất phôi.
Hồi đầu tháng 11/2022, Hòa Phát đã thông báo đến các đối tác cung ứng về việc dừng hoạt động 4 lò cao, bao gồm 2 lò cao ở Hòa Phát Dung Quất và 2 lò cao ở Hòa Phát Hải Dương. Lý do dừng lò được đưa ra là để đảm bảo các hoạt động sản xuất và kinh doanh của Tập đoàn được tiếp tục duy trì - động thái này được Hòa Phát nhận định là để "mang tính sống còn của doanh nghiệp" trong bối cảnh thị trường đang rất khó khăn.
Tuy vậy, Kallanish cho rằng, Hòa Phát đã không đóng hoàn toàn các lò cao này mà duy trì ở mức nhiệt độ thấp nhất có thể trong 2 tháng cuối năm. Nhờ thế, quá trình khởi động lại lò cao lần này sẽ được rút ngắn.
Tổng quan thị trường, VSA đánh giá, ngành thép toàn cầu trong quý 1/2023 tiếp tục nhịp tăng trưởng không chắc chắn, nhu cầu thép chịu tác động của suy thoái kinh tế, sự bất ổn của nguồn cung nguyên liệu, cuộc xung đột giữa các quốc gia, dù có nhiều dự đoán về sự khôi phục sản xuất của Trung Quốc với những chính sách nới lỏng về dịch Covid-19 hiện nay của nước này.