Miếng ghép đầu tiên
Mới đây, Tập đoàn LEGO đã ký Biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH Liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP) để xây dựng một nhà máy mới tại Việt Nam.
Nhà máy mới của LEGO tại Khu công nghiệp VSIP, Bình Dương.
Theo đó, cơ sở này được lên kế hoạch trở thành nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của công ty và sẽ bao gồm các khoản đầu tư vào sản xuất năng lượng mặt trời. Tập đoàn LEGO sẽ đầu tư hơn 1 tỷ USD vào khu đất rộng 44 ha ở tỉnh Bình Dương, cách Thành phố Hồ Chí Minh 50 km và tạo ra tới 4.000 việc làm trong vòng 15 năm tới. Quá trình xây dựng dự kiến bắt đầu vào nửa cuối năm 2022 và sản xuất sẽ bắt đầu vào năm 2024.
Trên thực tế, nhà máy mới này sẽ là địa điểm sản xuất thứ 6 của Tập đoàn LEGO và thứ hai ở châu Á, nhưng đây là địa điểm đầu tiên ở Việt Nam. Đây được coi là một phần của mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu tổng thể của công ty, nơi đặt các nhà máy gần các thị trường địa phương để cho phép họ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng
Đồng thời, đây cũng là tiền đề cho kế hoạch tăng trưởng dài hạn bổ sung trong khu vực, để công ty có thể tiếp tục mang đến trải nghiệm vui chơi cho nhiều trẻ em hơn nữa trong những năm tới.
Theo các nhà phân tích cho rằng, chiến lược của LEGO có lẽ là đang nhắm vào việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các thị trường mới nổi tại châu Á. Đơn giản vì đây là một thị trường trẻ và rất năng động.
Chia sẻ với hãng tin Reuters, Giám đốc Hoạt động Carsten Rasmussen của LEGO cho rằng: “Tăng trưởng ở châu Á và Trung Quốc là rất đáng kinh ngạc, và có thể thấy rằng theo thời gian chúng tôi sẽ cần nhiều năng lực hơn, châu Á với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và số lượng sinh cao trong khu vực so với các thị trường châu Âu và Bắc Mỹ”.
Cũng theo Rasmussen cho biết, động thái này của LEGO là động thái mới nhất trong chiến lược hàng thập kỷ của Lego, nhằm đặt sản xuất gần với các thị trường trọng điểm, giúp kiềm chế chi phí và bảo vệ khỏi các yếu tố bên ngoài.
LEGO kỳ vọng nhà máy tại Việt Nam sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các thị trường mới nổi tại châu Á.
“Nhà máy tại đây giúp chúng tôi có thời gian giao hàng ngắn hơn cho khách hàng và giúp chúng tôi có thể phản ứng nhanh chóng theo yêu cầu và tất nhiên nó cũng khiến chúng tôi linh hoạt hơn”, Rasmussen cho biết.
Đồng thời Carsten Rasmussen cũng lên tiếng cảm ơn sự hỗ trợ của chính phủ Việt Nam trong tham vọng xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO. Việc Chính phủ Việt Nam rất nhiệt tình trong kế hoạch đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng sản xuất năng lượng tái tạo và hào hứng hợp tác để làm việc với các công ty nước ngoài đang tìm cách đầu tư chất lượng cao, là một trong những yếu tố khiến LEGO quyết định xây dựng ở Việt Nam.
Các chuỗi cung ứng toàn cầu của LEGO hiện bao gồm các cơ sở vật chất ở Trung Quốc, Cộng hòa Séc, Hungary, Mexico, và quê hương của công ty là Đan Mạch.
Gần một thế kỷ sáng tạo và kinh doanh
Có lẽ rất ít người ở Việt Nam, từ trẻ đến già không biết đến từ LEGO. Đơn giản vì nó “cực kỳ nổi tiếng”.
Thương hiệu đồ chơi Lego được thành lập vào năm 1932 khi Ole Kirk Christiansen, một thợ mộc người Đan Mạch, quyết định mở rộng hoạt động kinh doanh mộc của mình bằng cách sản xuất một dòng đồ chơi gỗ đơn giản, được chạm khắc bằng tay.
LEGO là thương hiệu đồ chơi nổi tiếng trên toàn thế giới.
Kristianse gọi công ty kinh doanh đồ chơi mới của mình là “LEGO”, từ LEGO là sự kết hợp của hai từ tiếng Đan Mạch, “leg godt”, có nghĩa là “chơi tốt”. Nhiều năm sau này, khi LEGO trở nên vô cùng phổ biến ở châu Âu, mọi người chỉ ra rằng nó cũng có nghĩa là “Tôi lắp ráp” trong tiếng Latinh, nhưng Christiansen luôn khẳng định rằng ý nghĩa kép này hoàn toàn là do ngẫu nhiên.
Trong những năm ảm đạm của thập niên 30 thế kỷ trước, Christiansen đã bán đồ chơi bằng gỗ đơn giản của mình từng cửa một trong cộng đồng nông dân nhỏ bé ở Billund, Đan Mạch, nơi ông sinh sống. Sau khi suýt phá sản vào năm 1932, Ole Kirk đã xoay sở để tồn tại bằng cách kết hợp việc sản xuất đồ chơi bằng gỗ của mình với các dụng cụ gia dụng bình thường hơn như thang và phân vắt sữa. Sau thời gian dài phát triển, các sản phẩm của đồ chơi LEGO ngày nay đã có mặt trên toàn thế giới và trở thành trò chơi "quốc dân" được nhiều người yêu thích, đặc biệt là trẻ em.
Những miếng ghép LEGO có nhiều hình dáng khác nhau, hình vuông, hình chữ nhật, hình thoi, hình tròn... với nhiều màu sắc. Khi chúng được sắp xếp, lắp ghép lại với nhau sẽ tạo nên các mô hình độc đáo như nhà cửa, xe cộ, rô bốt, công viên, công trình xây dựng... Chúng cũng có thể được tháo rời một cách dễ dàng nên được "tái sử dụng" nhiều lần rất tiện lợi.
Hiện tại, tập đoàn LEGO cũng đã xây dựng một số công viên giải trí trên khắp thế giới, các công viên được gọi là Legoland, và đồng thời họ cũng vận hành nhiều cửa hàng bán lẻ cùng cửa hàng trực tuyến.
Các chuỗi cung ứng toàn cầu của tập đoàn LEGO.
Gần đây, dòng quần áo của công ty cũng đã trở thành thương hiệu dành cho trẻ em hàng đầu ở châu Âu, và một loạt các bộ đồ chơi Lego điện tử mới và bộ phụ kiện kèm theo phim và sách, Lego dường như đã vượt ra khỏi tầm của một thương hiệu “danh mục đồ chơi cổ điển” mà họ tổ chức quá lâu.
Mặc dù tập đoàn tư nhân của Đan Mạch này không công bố tài chính đầy đủ ra công chúng, nhưng Lego dường như đã gặp khó khăn vào cuối những năm 1990. Công ty thua lỗ vào năm 1998, và đến năm 2000 Lego lại thông báo rằng họ đã thâm hụt và có một năm cực kỳ đáng thất vọng.
Tuy nhiên, cho đến năm 2015, họ đã trở thành công ty đồ chơi lớn nhất thế giới tính theo doanh thu, với doanh thu lên tới 2,1 tỷ USD, vượt qua Mattel. Tập đoàn cũng đã đạt được mức tăng trưởng hai con số hàng năm trong khu vực châu Á kể từ năm 2019.