Trong bối cảnh VN-Index từng bước thiết lập những đỉnh cao mới, khối ngoại vẫn trong xu thế ngược chiều khi gần nửa năm miệt mài bán ròng.
Thống kê từ số liệu từ Sở GDCK TP.HCM (HoSE), chỉ tính riêng trên sàn HoSE, khối ngoại đã bán ròng 30.871 tỷ đồng từ đầu năm tới thời điểm chốt phiên giao dịch 11/6, tương đương 1,34 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục của khối ngoại bán ròng, cao hơn số bán ròng của khối ngoại trong cả năm 2020 (15.214 tỷ đồng), thậm chí còn vượt tổng số lượng khối ngoại xả trong hai năm duy nhất bán ròng trong thập kỉ qua là 2016 và 2020 cộng lại. Tính chung lại từ khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, tổng lượng bán ròng của khối nhà đầu tư ngoại đã đạt ngưỡng 46.000 tỷ đồng, tương đương 2 tỷ USD bị rút ra khỏi thị trường.
Dù vậy, trong tuần vừa qua (7-11/6), áp lực bán ròng của khối ngoại đã "hạ nhiệt" đôi chút, thậm chí họ còn mua ròng trở lại trong 2 phiên gần nhất (10 và 11/6).
Khối ngoại bán mạnh HPG, VNM và nhiều cổ phiếu ngân hàng
Theo thống kê, trong số các mã bị khối ngoại xả mạnh nhất từ đầu năm phải nhắc đến HPG của Tập đoàn Hòa Phát với giá trị bán ròng gần 11.790 tỷ đồng, bỏ xa các mã tiếp theo tới hàng nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, trái ngược với việc rút ròng từ nhà đầu tư ngoại, cổ phiếu HPG vẫn liên tục lập đỉnh mới; cùng với đó, Tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long cũng công bố các con số doanh thu, lợi nhuận, sản lượng cao kỷ lục trong bối cảnh giá thép tăng "phi mã".
Chốt phiên 11/6, thị giá HPG tiếp đà thăng hoa với việc tăng 2,9%, đóng cửa tại mức 53.100 đồng/cổ phiếu. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, giá trị cổ phiếu HPG đã tăng trưởng đến 74% trong vòng chưa đầy 6 tháng.
Diễn biến cổ phiếu HPG 6 tháng gần đây
Cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam Vinamilk cũng nằm trong danh sách bị khối ngoài rút ròng mạnh với tổng giá trị bán ròng lên đến hơn 6.500 tỷ đồng. Câu chuyện tăng trưởng chậm lại của VNM phần nào kém hấp dẫn giới đầu tư, dẫn đến xu hướng bán ra với lượng lớn của khối ngoại. Diễn biến trên thị trường chứng khoán, thị giá của VNM đã sụt giảm đáng kể từ đầu năm đến nay với mức 18% từ 108.800 đồng xuống còn 92.000 đồng/cổ phiếu chốt phiên 11/6.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng dù sức nóng đã tạo ra trong thời gian vừa qua và là điểm đến của nhiều nhà đầu tư, song vẫn bị khối ngoại rút ròng đến hàng nghìn tỷ như CTG (-5.590 tỷ đồng), VPB (-3.131 tỷ đồng), VCB (-1.696 tỷ đồng), MBB (-1.557 tỷ đồng), BID (-1.344 tỷ đồng). Diễn biến trên sàn giao dịch của các mã này cũng có sự phân hóa khi CTG, VPB và MBB duy trì đà leo dốc với mức tăng trưởng lần lượt là 53%, 120% và 71% từ đầu năm đến nay; trong khi đó, VCB và BID lại có dấu hiệu chững lại.
Danh sách cổ phiếu khối ngoại bán ròng mạnh nhất từ đầu năm tới 11/6 còn xướng tên các mã cổ phiếu khác như POW (-1.681 tỷ đồng), DXG (-1.341 tỷ đồng), KDH (-1.233 tỷ đồng).
Tập trung "gom" chứng chỉ ETF
Ở chiều ngược lại, dẫn đầu danh sách được "gom" vào nhiều nhất là chứng chỉ quỹ DCVFM VNDiamond ETF (FUEVFVND) với giá trị đạt 4.060 tỷ đồng, đóng góp không nhỏ là quỹ ngoại Pyn Elite Fund cùng các nhà đầu tư Thái Lan khi liên tiếp đẩy mạnh mua vào. Nhiều quỹ ngoại đã lựa chọn chứng chỉ quỹ này với việc danh mục gồm nhiều mã cổ phiếu đã kịch room.
Một số ETFs khác cũng có mặt trong danh sách mua ròng mạnh như FUESSVFL (chứng chỉ SSIAM VNFinLead ETF) và E1VFVN30 (chứng chỉ DCVFM VN30 ETF) với giá trị lần lượt 680 tỷ đồng và 669 tỷ đồng.
Nhận được lực mua lớn là hai cổ phiếu "hàng hiệu" VHM của CTCP Vinhomes và MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động. Đây là hai mã cổ phiếu duy trì thị giá đắt đỏ lên tới 3 chữ số cùng lượng thanh khoản rất lớn mỗi phiên trên sàn giao dịch. Với VHM, lực mua vào của khối ngoại đạt xấp xỉ 1.800 tỷ đồng kể từ đầu năm. Chốt phiên 11/6, giá đóng cửa của VHM đạt 106.000 đồng/đơn vị, tăng trưởng 18% so với thời điểm đầu năm 2021.
Trong khi đó, cổ phiếu MWG ngay khi "hở room" do phát hành ESOP đã được khối ngoại lập tức "gom", giá trị mua ròng đến thời điểm hiện tại đã đạt 1.533 tỷ đồng. MWG đóng cửa ngày giao dịch 11/6 với thị giá tăng trưởng 15% kể từ đầu năm, đạt 137.000 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến cổ phiếu MWG 6 tháng gần đây
Bên cạnh VHM, hai mã cổ phiếu BĐS khác cũng được mua ròng trong thời gian vừa qua là NVL của CTCP Tập đoàn địa ốc NOVA, giá trị đạt 764 tỷ đồng và KBC của Đô thị Kinh Bắc với lượng mua ròng đạt 656 tỷ đồng. Theo đà thăng hoa, NVL và KBC được giao dịch rất tích cực tính từ đầu năm 2021 đến nay, lần lượt tăng trưởng 137% và 41%.
Dòng tiền của khối ngoại còn chảy về một số mã cổ phiếu của nhóm ngân hàng, bao gồm STB (+849 tỷ đồng) và OCB (+736 tỷ đồng).