Chính quyền địa phương đã nhanh chóng vào cuộc xác minh. Ngày 5-5, đại diện chính thức đơn vị thu mua cũng lên tiếng giải thích. Sự việc được nhanh chóng làm rõ, các thông tin được công bố công khai. Hộ nông dân sản xuất sữa trên đã "hạ hỏa", gỡ bỏ đoạn phim và tiếp tục bán sữa trở lại cho trạm thu mua…
Dù chỉ là hiện tượng đơn lẻ và đã được giải quyết ổn thỏa, nhưng sự việc đáng tiếc này cũng cần có sự rút kinh nghiệm sâu sắc từ các bên liên quan.
Ðược biết, ngày 18-12-2015, Nhà máy sữa Vinamilk Nghệ An ký kết hợp đồng thu mua sữa với các hộ chăn nuôi bò sữa tại xã Nghĩa Hòa, thị xã Thái Hòa. Theo đó, nhà máy cam kết không giảm sản lượng thu mua, không giảm giá thu mua nếu chất lượng sữa tươi trong ngày của hộ nông dân đạt tất cả các chỉ tiêu yêu cầu. Nhà máy cũng cam kết hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học công nghệ trong chọn giống, phối giống, phòng ngừa dịch bệnh và các hỗ trợ khác để có sản phẩm sữa chăn nuôi bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng. Nếu sữa tươi không đạt chất lượng, nhà máy sẽ ngừng thu mua và yêu cầu hộ dân khắc phục cùng với sự hỗ trợ của nhà máy. Hiện tại, Nhà máy sữa Vinamilk Nghệ An đang thu mua sữa của 103 hộ, tổng sản lượng 9 tấn/ngày, giá bình quân 12.727 nghìn đồng/lít và được nhà máy cho đó là mức giá cao nhất tại Việt Nam và cao hơn so với giá sữa thế giới. Việc nhà máy giảm giá thu mua tương ứng với chất lượng sữa cung ứng của người nông dân tại sự việc nêu trên là nằm trong điều kiện và cam kết đã ký đó.
Trong bối cảnh cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt, chất lượng là yếu tố hàng đầu để tồn tại và phát triển. Việc người mua siết chặt yêu cầu và sòng phẳng thanh toán theo chất lượng thực tế sữa tươi nguyên liệu đầu vào, để bảo đảm chất lượng sản phẩm sữa đầu ra, là bình thường và cần thiết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cả do khách quan và chủ quan, việc tranh chấp chất lượng sữa không chỉ xảy ra một lần, mà đã, đang và sẽ tiếp tục tái diễn. Vì vậy, việc cụ thể hóa, minh bạch, công khai các tiêu chí chất lượng và các kết quả kiểm định chất lượng, kèm theo những giải thích cặn kẽ, cũng là điều bên mua nên làm và phải làm, để bên bán "tâm phục khẩu phục" và bản thân không bị tiếng xấu là mua độc quyền, dùng thủ đoạn "ép giá" qua "ép chất lượng", dễ tổn thương hình ảnh và tăng nguy cơ đổ vỡ hợp đồng…
Sản xuất sữa bò tươi là nghề mới ở nước ta và đòi hỏi quy trình, tiêu chuẩn nghiêm ngặt, nhất là chỉ tiêu về chất béo, vật chất khô, vi sinh và tế bào soma… Bởi vậy, người chăn nuôi bò sữa cần liên hệ chặt chẽ, tiếp nhận và tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất, thu vắt, bảo quản, vận chuyển sữa tươi để đạt chất lượng cao theo yêu cầu và được thu mua với giá cao, ổn định đầu ra, bảo đảm lợi ích. Hơn nữa, khi có tranh chấp về chất lượng hay giá cả, hai bên cần bình tĩnh, tìm cách giải quyết mang tính xây dựng, tránh phản ứng cực đoan, cảm tính, thậm chí phạm luật, gây hậu quả phát sinh không mong muốn.
Theo nguyên tắc thị trường, "hàng nào - giá ấy". Nhưng khi mua bán quốc tế, nhất là trong hợp đồng cung ứng theo chuỗi giá trị, nếu không bảo đảm số lượng, chất lượng và thời gian theo yêu cầu cam kết trong hợp đồng, thì bên bán không những bị trừ tiền, không được thanh toán, mà còn bị phạt bổ sung vì các tổn thất gây ra cho bên mua.
Minh bạch và sòng phẳng, tuân thủ nghiêm túc các cam kết và yêu cầu hợp đồng, bán cái thị trường cần và đáp ứng yêu cầu thị trường, hài hòa lợi ích để xây dựng và khép kín chuỗi cung ứng bền vững trong nông nghiệp nói chung, trong các hoạt động kinh tế nói chung, là luật chơi của sân chơi mới theo tinh thần hội nhập.