Theo Báo cáo chiến lược Triển vọng năm 2022, CTCK Mirae Asset cho biết, năm 2021, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp, nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư chuyển hướng sang kênh đầu tư chứng khoán, với số lượng tài khoản mở mới của cá nhân trong nước duy trì trên mức 100 nghìn tài khoản/tháng kể từ tháng 3. Tổng cộng nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới hơn 1 triệu tài khoản trong 10 tháng đầu năm, chiếm 99,5% tổng số tài khoản mở mới.
"Đây là động lực chính giúp tăng thanh khoản thị trường và VN-Index liên tục lập đỉnh mới trong năm 2021", Mirae Asset nhận định.
Năm 2022, Mirae Asset cho rằng, thị trường chứng khoán vẫn có nhiều động lực thúc đẩy như sự lạc quan của nhà đầu tư về khả năng kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ, các gói hỗ trợ tài khóa, tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp, kỳ vọng nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư sẽ tiếp tục chuyển hướng sang kênh đầu tư chứng khoán, và thanh khoản thị trường sẽ tiếp tục dồi dào.
Hơn nữa, mặt bằng lãi suất ngân hàng thấp cũng giúp kích thích tăng trưởng thông qua kích thích đầu tư, khôi phục sản xuất với chi phí vốn thấp hơn.
Ngoài ra, triển vọng được nâng hạng thị trường lên thị trường mới nổi và các cải cách nhằm thỏa mãn các tiêu chí nâng hạng thị trường mới nổi, giúp cải thiện tính minh bạch và hiệu quả của thị trường.
Rủi ro lớn nhất hiện tại là nguy cơ bùng phát dịch ngoài tầm kiểm soát, cũng như sự phát triển của các biến chủng COVID-19 mới gây ra tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, với tầm nhìn tăng giá dài hạn, các chuyên gia cho rằng các nhịp điều chỉnh sâu của thị trường là cơ hội mua tích lũy các cổ phiếu tốt.
Ngoài ra, rủi ro nợ xấu ngành ngân hàng tăng cao trong năm 2022. Theo ước tính của Mirae Asset, nợ cơ cấu cho người đi vay bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đã lên tới 5,3% so với dư nợ tín dụng hệ thống. Dù kỳ vọng khả năng trả nợ của người đi vay sẽ phục hồi cùng với sự phục hồi kinh tế trong năm 2022, một phần nợ cơ cấu có thể trở thành nợ xấu sau khi hết thời hạn tạm hoãn phân loại.
Thêm vào đó, rủi ro lạm phát do đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, thực hiện các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế, cũng như áp lực nhập khẩu lạm phát do giá cả các loại hàng hóa trên thế giới tăng cao. Các cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) là sự kiện trọng yếu trong năm 2022 và trong trường hợp Mỹ tăng lãi suất điều hành bất ngờ vào tháng 6/2022 có thể khiến khối ngoại đẩy mạnh bán ròng trên thị trường chứng khoán.
Dù vậy, rủi ro lãi suất tăng trong năm 2022 không phải là không có. Theo Mirae Asset, với định hướng lạm phát mục tiêu 4%, dư địa để giảm lãi suất điều hành không còn nhiều. Mặt bằng lãi suất được kỳ vọng sẽ được duy trì ở mức thấp như hiện tại giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất với chi phí vốn thấp hơn.
Mặc dù lạm phát tại Việt Nam chỉ ghi nhận mức tăng nhẹ trong 10 tháng đầu năm 2021, áp lực lạm phát dự kiến gia tăng trong thời gian sắp tới dưới tác động 1) việc tăng giá của các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng, 2) thặng dư thương mại thấp, và 3) các gói hỗ trợ kinh tế sắp tới.
Để đối mặt với việc gia tăng lạm phát, nhiều nền kinh tế đã tăng lãi suất điều hành từ 50bps đến 150bps, và đang cân nhắc tiếp tục gia tăng lãi suất trong thời gian sắp tới nếu lạm phát tăng cao. Vì vậy, Việt Nam có thể điều chỉnh tăng lãi suất nếu áp lực lạm phát trở lại trong năm 2022.