Những năm gần đây, cuộc cạnh tranh thị phần trên thị trường chứng khoán không chỉ đến từ các CTCK trong nước mà đã có sự tham gia mạnh mẽ từ các CTCK có vốn ngoại, đặc biệt các CTCK có vốn Hàn Quốc.
Thống kê trên TTCK Việt Nam hiện có 6 CTCK có vốn Hàn Quốc hiện diện, bao gồm Chứng khoán KIS, Chứng khoán Mirae Asset, Chứng khoán HFT, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), Chứng khoán Shinhan Việt Nam và Chứng khoán NH.
Với tiềm lực tài chính hùng hậu từ công ty mẹ, các CTCK vốn Hàn Quốc đã liên tục tăng vốn và trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm với các tên tuổi trong nước, từ chất lượng dịch vụ cho tới số lượng chi nhánh và đặc biệt ở khả năng cung cấp nguồn vốn cho vay (margin).
Báo cáo quý 3 các CTCK vừa công bố cho thấy dư nợ cho vay margin của Mirae Asset lên tới 6.566 tỷ đồng, vượt qua 2 CTCK hàng đầu Việt Nam là SSI (dư nợ margin 5.310 tỷ đồng) và HSC (dư nợ margin 4.670 tỷ đồng). Đây cũng là lần đầu tiên trên TTCK Việt Nam có một CTCK vốn ngoại vươn lên đầu bảng về dư nợ margin.
Các CTCK Hàn Quốc khác cũng có dư nợ margin cuối quý 3 khá lớn như KIS (2.642 tỷ đồng), KBSV (1.816 tỷ đồng), không thua kém nhiều so với dư nợ margin của các CTCK lớn trong nước như VNDirect (2.950 tỷ đồng), VCSC (2.887 tỷ đồng), MBS (2.427 tỷ đồng)…
Mặc dù trên thực tế dư nợ tại các CTCK có thể lớn hơn con số trong báo cáo tài chính do một số CTCK còn nguồn cho vay 3 bên. Tuy vậy, những con số trên phần nào phản ánh được sức mạnh của các CTCK vốn Hàn Quốc trong cuộc đua margin, thị phần. Báo cáo thị phần môi giới quý 3 của HoSE và HNX được công bố đều có sự hiện diện của 2 CTCK vốn Hàn là Mirae Asset, KIS Việt Nam nằm trong top 10 đã phản ánh rõ nét điều này.
Vì sao dòng vốn Hàn Quốc đổ mạnh vào CTCK Việt Nam?
Những năm gần đây, các CTCK có vốn Hàn Quốc đã tăng vốn khá mạnh để đáp ứng nhu cầu thị trường. Vào cuối tháng 9, Chứng khoán Mirae Asset đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 4.300 tỷ lên gần 5.500 tỷ đồng. Theo kế hoạch được công bố, trong tháng 10/2019, Công ty mẹ là Mirae Asset Securities sẽ góp thêm 1.155,5 tỷ đồng vào Mirae Asset (Việt Nam).
Với việc nâng vốn lên gần 5.500 tỷ đồng, Mirae Asset đã vượt qua SSI để trở thành Công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.
Chứng khoán HFT sau khi được mua lại bởi Hanwha Investment & Securities Co., Ltd cũng tiến hành tăng vốn từ 100 tỷ lên 600 tỷ trong tháng 9 vừa qua.
Trước đó, KBSV sau khi mua lại Chứng khoán Maritime cũng liên tục tiến hành tăng vốn trong giai đoạn cuối năm 2018 và đầu năm 2019 lên 1.675 tỷ đồng, qua đó lọt top 10 CTCK có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.
Ngoài Mirae Asset và KBSV, trong top 10 CTCK vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam còn có sự hiện diện của một cái tên Hàn Quốc khác là Chứng khoán KIS với vốn điều lệ 1.897 tỷ đồng.
Theo nhận định của một số chuyên gia, kinh tế vĩ mô Việt Nam những năm qua tương đối ổn định, trở thành điểm sáng tại khu vực Châu Á là yếu tố hấp dẫn dòng vốn Hàn Quốc. Từ đầu năm tới nay, đồng KRW của Hàn Quốc đã mất giá 8,2% so với USD, trong khi tỷ giá USD/VND gần như không thay đổi. Việc đồng KRW suy yếu đã khiến dòng tiền từ Hàn Quốc tìm đến các thị trường khác trú ẩn. Thị trường Việt Nam với tỷ giá ổn định trong thời gian qua đã hấp dẫn dòng tiền Hàn Quốc.
Một yếu tố khác khiến dòng vốn Hàn Quốc đổ vào Việt Nam phải kể tới lãi suất. Nếu như lãi suất cơ bản tại Hàn Quốc khá thấp, chỉ khoảng 1,5% thì lãi suất tại tại Việt Nam hấp dẫn hơn nhiều. Lãi suất gửi ngân hàng hiện xoay quanh 8%/năm, trong khi lãi suất cho vay margin tại các CTCK dao động từ 12 – 14%/năm. Đây là yếu tố góp phần khiến dòng vốn Hàn Quốc đổ mạnh vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực chứng khoán.
Bên cạnh đó, việc dòng vốn Hàn Quốc đang hướng đến lĩnh vực chứng khoán Việt Nam có thể đến từ tiềm năng phát triển thị trường còn rộng mở. Thời gian gần đây, các tập đoàn lớn tại Hàn Quốc SK Group, Hanwa đã có những thương vụ lớn, quy mô hàng trăm triệu USD, thậm chí hàng tỷ USD vào các doanh nghiệp Việt Nam như VinGroup, Masan. Ngoài ra, dòng vốn đầu tư gián tiếp của Hàn Quốc còn thông qua các quỹ đầu tư như KIM (quy mô tỷ USD). Do đó, sự hiện diện của các CTCK vốn Hàn trên thị trường để hỗ trợ các "deal" là điều tất yếu.