Từ hơn 2 tuần qua, ở các tỉnh miền Tây mít Thái quay đầu tăng giá gần bằng mức giá cao hồi đầu năm 2019. Dân chủ vựa trái cây ở Cái Bè (Tiền Giang) gọi bạn hàng các tỉnh lân cận thu gom hàng cung ứng. Một vựa thu mua khoảng 2-3 ngày mới đóng đủ hàng cho chuyến xe 20 tấn.
Một điểm thu mua mít Thái ở huyện Thới Lai-TP Cần Thơ. Ảnh: PT.
Tuy nhiên hiện thời mít đang “đứt lứa”, trái chưa vào đợt chín rộ. Tại Cần Thơ các nhà vựa trái cây ở huyện Phong Điền cho thương lái tay em tỏa về khắp các nhà vườn thu mua qua các vùng lân cận huyện Thới Lai và miệt vườn Hậu Giang. Khoảng một tháng trước, giá chỉ còn 11.000-13.000 đ/kg. Đã không ít người cho rằng mít Thái hạ nhiệt vì thương lái Trung Quốc ngưng mua hàng.
Hiện nay mít vào đợt hút hàng cao điểm. Thương lái ở Cần Thơ thu mua mít Thái trái tươi tăng giá từng ngày. Mít loại 1, trái to trên 8 kg/trái (vào ngày 23/7) giá vượt lên mức 52.000 đ/kg, tăng hơn 7.000 đ/kg so 3 ngày trước đó và tăng gấp đôi so với 2 tuần trước (26.000 đ/kg); mít loại 2 từ 6-8 kg/trái giá 30.000 đ/kg; mít loại 3 từ 4-6 kg/trái giá 20.000 đồng/kg. So với những tháng đầu năm 2019 giá mít đã tăng chạm mức cao nhất, 35.000 - 45.000 đồng/kg và có thời điểm trên 50.000 - 60.000 đồng/kg. So với nhiều loại rau quả khác, một trái mít trọng lượng trung bình hơn 10 kg nông dân thu hơn nửa triệu đồng.
Nông dân thừa biết rằng mít Thái không phải là loại trái cây chủ lực của nhà vườn miền Tây. Trồng mít nhiều, dư thừa sẽ khó tiêu thụ. Song, lại có người ý giải: Cây mít dễ trồng, nếu trồng giống mít siêu sớm sau 1-2 năm cho trái, trồng xen trong vườn hay ngoài bờ thửa thu hái vài năm, chi phí ít, tính ra cũng không lỗ lã gì nhiều.
Theo Cục Trồng trọt, khi giá thu mua mít Thái xuất khẩu sang Trung Quốc ở mức cao, nông dân tại một số tỉnh, thành mở rộng diện tích, kể cả một số địa phương ngoài vùng quy hoạch, thiếu tính ổn định, có nguy cơ rủi ro. Đến năm 2018 diện tích mít cả nước có trên 26.100 ha, năng suất 16,5 tấn/ha, sản lượng trên 307.500 tấn. Vùng ĐBSCL có diện tích trồng mít lớn nhất so các vùng miền khác trong cả nước với hơn 10.100 ha, trong đó khoảng 6.400 ha đang cho thu hoạch, năng suất 17,9 tấn/ha, sản lượng hơn 114.000 tấn, chiếm hơn 38,6% tổng diện tích và 37,1% sản lượng cả nước.
Đặc biệt trong 2 năm 2017 và 2018, do sức hấp dẫn giá mít đã thúc đẩy tăng nhanh diện tích mít trồng mới trong cả nước trên 5.700 ha (năm 2017 hơn 1.600 ha; năm 2018 hơn 4.100 ha). Trong đó diện tích mít trồng mới nhanh nhất là ĐBSCL, năm 2017 là 581 ha và năm 2018 là 2.407 ha. Đặc biệt từ đầu năm 2019 đến nay có thêm hơn 1.140 ha mít Thái được trồng mới, tập trung ở các tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang và TP Cần Thơ.
Thương lái thu mua mít Thái. Ảnh: PT. |
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho rằng: “Do việc mở rộng diện tích trồng mít Thái ngày càng tăng, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần phải chú ý một số vấn đề, như: cây mít chưa được các địa phương xác định là cây ăn quả chủ lực, do đó việc đầu tư, hỗ trợ cho phát triển sản xuất mít chưa có, phần lớn nông dân sản xuất tự phát, chưa có quy trình sản xuất cụ thể cho các loại hình trồng xen, trồng thuần và chuyển đổi từ đất lúa.
Đồng thời, việc chuyển đổi sang trồng mít rải rác trên nhiều địa phương, không theo vùng trồng tập trung, diện tích lớn sẽ dẫn đến nhiều rủi ro trong mùa lũ, ngập úng, thiệt hại do hệ thống đê bao chưa hoàn thiện, khép kín.
Vì nguy cơ rủi ro cao nên trong công tác quản lý nông nghiệp các địa phương cần lưu ý và khuyến cáo nông dân.