Chị Phạm Thu Hà, tiếp viên một hãng hàng không chia sẻ, dịch COVID-19 đã đẩy cuộc sống của nhân viên hàng không vào khó khăn. Chuyến bay ít, tiếp viên phải luân phiên bay, thiếu việc làm, kéo thu nhập giảm. Đồng nghiệp của chị Hà đã có người chuyển việc, hoặc kinh doanh thêm như bán bánh tự làm, bán hàng trực tuyến, bảo hiểm... cố gắng duy trì cuộc sống đợi ngày hàng không phục hồi.
Lãnh đạo đoàn tiếp viên một hãng hàng không cho biết, do ảnh hưởng dịch COVID-19, chuyến bay giảm nên thu nhập tiếp viên giảm mạnh. “Có tháng thực tế số chuyến bay không đạt như kế hoạch, lãnh đạo đoàn tiếp viên phải đau đầu chia lịch bay cho từng tiếp viên, để mỗi tiếp viên có thu nhập tối thiểu lo cho cuộc sống, vừa đủ giờ bay để không bị rút chứng chỉ, và giữ chân người lao động sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi. Nghề tiếp viên hàng không nhìn vào thì hào nhoáng, nhưng giờ chật vật lắm”, vị lãnh đạo trên chia sẻ. Theo vị này, “hộ chiếu vắc-xin” có thể là cứu cánh với ngành hàng không, cơ hội nối lại đường bay quốc tế.
Theo ghi nhận, những ngày gần đây, các hãng hàng không Việt bắt đầu tăng tần suất khai thác, tung hàng loạt chương trình khuyến mại để kích cầu đi lại nội địa. Hàng không trở lại là tín hiệu tốt cho nền kinh tế, dù các dự báo cho rằng, năm 2021 sẽ còn khó khăn.
Vẫn kỳ vọng vào thị trường nội địa
Kết thúc năm 2020, Vietjet báo lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt gần 123 tỷ đồng, Bamboo Airways báo lãi 400 tỷ đồng. Trong bối cảnh ngành hàng không toàn cầu khó khăn, nhiều hãng phá sản, việc có tới 2 hãng hàng không Việt Nam công bố lãi năm vừa qua được xem là “kỳ tích”. Dù vậy, các hãng hàng không vẫn tiếp tục trông đợi gói hỗ trợ từ Chính phủ.
Thông tin tuần qua cho thấy: Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự thảo thông tư về tái cấp vốn cho các ngân hàng và tái cơ cấu nợ cho Vietnam Airlines, với trị giá 4.000 tỷ đồng. Trong khi đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam kiến nghị Chính phủ cung cấp gói tín dụng lãi suất thấp trị giá từ 25 đến 27 nghìn tỷ đồng cho các hãng hàng không vay để duy trì hoạt động, cơ cấu lại nợ.
Nhận định về thị trường hàng không năm 2021, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam Bùi Doãn Nề cho rằng, thị trường nội địa vẫn là chỗ dựa cho các hãng và tiếp tục tăng trưởng. Trong khi thị trường hàng không quốc tế phục hồi hay không phụ thuộc vào vắc-xin COVID-19 vẫn khó đoán. Về kiến nghị gói vay hỗ trợ hãng hàng không dù có hãng vẫn báo lãi, ông Nề cho rằng, thực tế mảng vận tải hàng không còn khó khăn và lỗ. Còn khoản lãi của các hãng có thể tới từ hoạt động khác, ngoài vận tải hàng không để cân đối tài chính.
Trong ngắn hạn, hàng không vẫn đối mặt không ít khó khăn. Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, trong tháng 2/2021, lượng khách của hãng giảm hơn 50% so với cùng kỳ (song chỉ đạt 45% kế hoạch tháng). Sau 2 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất của hãng ước đạt hơn 4.400 tỷ đồng. “Tháng 3 là thấp điểm của ngành hàng không, hãng sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu. Cùng đó chuẩn bị sẵn nguồn lực cho giai đoạn phục hồi khi tình hình kiểm soát dịch bệnh ngày càng khả quan, nhờ việc tiêm vắc-xin. Các gói hỗ trợ của Chính phủ có những bước triển khai khả quan”, lãnh đạo Vietnam Airlines nói. Dù vậy, hãng này cũng xác định khó khăn khi cạnh tranh thị trường nội địa ngày càng khốc liệt.
Theo đánh giá của Cty CP Chứng khoán SSI, năm 2021, do ảnh hưởng dịch bệnh, thị trường nội địa vẫn là trọng tâm khai thác của các hãng. Một số đường bay quốc tế với Việt Nam có thể được nối lại vào nửa cuối năm, khi việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 mang lại hiệu quả. Dù vậy, các hãng này vẫn rơi vào tình trạng kinh doanh lỗ.