Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về đề xuất đầu tư xây dựng Cảng hàng không Chu Lai, tỉnh Quảng Nam.
Trước đề xuất của UBND tỉnh Quảng Nam, tháng 8/2018, Bộ Giao thông Vận tải sau đó ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch một số hạng mục công trình tại Cảng hàng không quốc tế Chu Lai giai đoạn đến năm 2030. Khi đó, công suất sân bay Chu Lai đạt 5 triệu hành khách/năm, 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Sân bay này dự kiến sẽ đón được những máy bay thân rộng như Airbus A380 hay Boeing 747-8.
Tư nhân được tham gia đầu tư nâng cấp, mở rộng sân bay Chu Lai
Tuy nhiên, với tầm nhìn đến năm 2030 theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, yêu cầu tốc độ tăng trưởng GRDP gấp trên 2,5 lần năm 2020; trong đó, về giao thông vận tải hàng không sẽ khai thác, sử dụng có hiệu quả và đầu tư nâng cấp mở rộng cảng hàng không quốc tế Chu Lai để dần chuyển thành trung tâm trung chuyển hàng hóa và sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay tầm cỡ khu vực.
Vì vậy, việc nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Chu Lai là cần thiết, đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh Quảng Nam và khu vực miền Trung.
Do đó, quy hoạch Cảng hàng không Chu Lai cần phải điều chỉnh. Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải lựa chọn phương án tối ưu đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Trước đó, tại Thông báo số 141 ngày 12/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương làm việc thống nhất với UBND tỉnh Quảng Nam về việc điều chỉnh quy hoạch và nhà đầu tư thực hiện, cải tạo, nâng cấp cảng hàng không Chu Lai theo hình thức xã hội hóa, không dùng ngân sách Nhà nước hay vốn có nguồn gốc ngân sách Nhà nước đúng pháp luật.
Tập đoàn Vingroup hồi tháng 3/2019 đã có đề nghị Bộ Giao thông vận tải chấp thuận chủ trương đầu tư cải tạo, nâng cấp và mở rộng Cảng hàng không Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) theo hình thức BOT.
Vietjet Air cũng từng đề xuất tham gia đầu tư 20.000 tỷ đồng vào sân bay Chu Lai và phân kỳ đầu tư thành 3 giai đoạn.