Chị Đỗ Phương (chủ chuỗi khách sạn phố cổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, từ 1 năm nay chuỗi khách sạn của chị đã giảm từ 7 xuống còn 2 khách sạn. Nếu như trước đây khách sạn đón khách quốc tế thì nay chủ yếu đón khách nội địa cuối tuần. Giá phòng cũng giảm ở mức “nhà nghỉ bình dân”.
Theo chị Phương, hiện nay mở cửa du lịch quốc tế thì khách sạn chị cũng phải tuyển thêm người để đào tạo do thời điểm dịch cắt giảm nhân sự tối đa. “Nhân viên quản lý cấp cao gần như không còn ai, việc đào tạo sẽ mất nhiều thời gian”, chị Phương nói.
Là công ty chuyên đón khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam, anh Đỗ Văn Thắng (giám đốc một công ty du lịch ở phố Nguyễn Hữu Huân, quận Hoàn Kiếm) vẫn đang chật vật khi chưa thể tuyển đủ nhân sự. Mặc dù công ty đã mạnh dạn đăng tuyển với mức lương cao với các vị trí hướng dẫn viên tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý… Anh Thắng nhận định: Hiện nay nhiều doanh nghiệp cũng đang chật vật tìm nhân sự, chắc chắn nếu mở cửa du lịch quốc tế thì dự báo thời gian tới việc tìm nhân sự sẽ càng khó khăn hơn.
Ngoài ra, hiện nay khu vực phố cổ đang hạn chế bán hàng đến 21 giờ tối, đây cũng là trở ngại vì du khách quốc tế sẽ không có chỗ tham quan, vui chơi buổi đêm.
Tổng Giám đốc Trung tâm phát triển nguồn nhân lực Du lịch (THD) Nhữ Thị Ngần cho biết, thời điểm này đang có cuộc “khủng hoảng nhân sự du lịch” bởi sau thời gian nghỉ dịch đa số các nhân sự du lịch lâu năm đã chuyển việc, trong khi nhân sự mới bổ sung rất ít.
Theo bà Ngần, việc Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế là chính sách quan trọng, đánh dấu việc mở cửa, thích ứng của Việt Nam đối với du khách quốc tế. Cùng với đó là nhu cầu tìm lao động của hàng loạt doanh nghiệp lữ hành.
Được biết, THD đang phối hợp với nhiều trường đại học có khoa du lịch để cho sinh viên thực tập, làm việc trực tiếp tại các cơ sở du lịch để khi ra trường có kinh nghiệm và có thể bắt tay làm việc ngay tại các doanh nghiệp du lịch.
Đại diện Câu lạc bộ lữ hành Unesco cho biết thêm, sau 2 năm nghỉ việc, chưa kể đến số lượng nhân sự du lịch thiếu hụt, các doanh nghiệp lữ hành trong câu lạc bộ còn đau đầu bởi chất lượng nguồn nhân lực bị mai một. Người làm du lịch đang bị thiếu môi trường làm việc, thiếu tương tác.
Thời gian này, câu lạc bộ đang xúc tiến du lịch Hà Nội kết nối với các tỉnh thành như: Nghệ An, Vĩnh Phúc… để tăng kết nối với các tỉnh thành.
Đối với việc phát triển đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho Thủ đô, lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Sở đang phối hợp với Trường Cao Đẳng Du lịch Hà Nội xây dựng và triển khai các lớp đào tạo bồi dưỡng nhân lực du lịch, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.