Phủ xanh nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ là những giải pháp các siêu thị tại TP.HCM thực hiện để phục vụ đón khách trực tiếp từ ngày 1/10, trong điều kiện "bình thường mới".
Thiết lập “siêu thị xanh”, “nhà máy xanh”
Để phục vụ “bình thường mới”, đại diện Masan cho biết, đang duy trì, đảm bảo “Nhà máy xanh” và “Con người xanh”. Hiện, Nhà máy Masan tại Bình Dương sẽ tuyển mới khoảng 900 nhân viên. Để giữ “vùng xanh”, nhà máy thuê địa điểm, thiết lập 3 khu ký túc xá và vùng đệm cho nhân viên lưu trú với sức chứa hàng trăm người. Đơn vị này phân khu ký túc xá dành cho cán bộ nhân viên khỏe mạnh đang làm việc trong nhà máy và đã được sàng lọc kĩ trước đó; vùng đệm dành cho cán bộ nhân viên sẽ vào làm việc, hoặc người mới ra/vào phạm vi nhà máy.
Đồng thời, nhà máy thiết lập các quy trình thực hiện “Bình thường mới”. Ví dụ, hướng dẫn các hành động, giải pháp y tế, cách ly cần thiết, phù hợp cho toàn bộ cơ sở sản xuất/kho vận khi phát sinh F0. DN cũng có đội phản ứng nhanh, trực tiếp xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình phòng, chống dịch Covid-19.
Trong khi đó, MM Mega Market tiến hành trang bị kiến thức về dịch Covid-19 cho đội ngũ nhân viên thông qua tư vấn trực tuyến của đội ngũ bác sĩ. Đơn vị này hướng tới mục tiêu 100% nhân viên trên toàn hệ thống có “Thẻ xanh Covid” và trở thành điểm mua sắm xanh. Tính đến nay, hơn 1.500 nhân viên tại TP.HCM của hệ thống đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
Siêu thị chuẩn bị hàng tươi sống cho ngày "bình thường mới" |
Các mặt hàng trái cây |
Sử dụng trí tuệ nhân tạo kiểm soát người tại siêu thị
BCĐ Phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM quy định tại các khu vực siêu thị, trung tâm thương mại phải đảm bảo kiểm soát mật độ người. Cụ thể, mật độ yêu cầu tối thiểu 4m2/người tính theo diện tích kinh doanh và giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa hai người kế cận.
Từ lý do trên, MM Mega Market đưa vào hệ thống máy kiểm soát số lượng khách hàng mua sắm trong cùng một thời điểm. Hệ thống này vận hành bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và có thể phân biệt được khách hàng và nhân viên thông qua nhận diện đồng phục siêu thị.
Các camera lắp đặt tại lối ra/vào kết nối với hệ thống máy chủ trung tâm để phân tích lượng người đang mua sắm thực tế và gửi cảnh báo tới Ban quản lý nếu vượt mức quy định. Khách hàng cũng biết lượng người mua sắm thông qua màn hình hiển thị trực tiếp tại lối vào. Người dân cần xếp hàng chờ bên ngoài nếu số lượng bên trong đã vượt ngưỡng mật độ cho phép. Khi có người đi ra, khách xếp hàng mới được vào lấp khoảng trống.
Các siêu thị đều đã lên phương án kiểm soát mật độ người mua sắm trực tiếp tại một thời điểm |
Tương tự, Siêu thị AEON Tân Phú cũng sử dụng hệ thống đếm số người ra/vào để tính lưu lượng khách phù hợp với diện tích theo quy định, giới hạn 50 khách hàng/lượt mua sắm. Khách sẽ được sắp khu vực chờ đợi, xếp hàng. Toàn bộ nhân viên tiếp xúc trực tiếp với khách hàng được cấp “Thẻ xanh Covid” và trang bị khẩu trang, găng tay, kính chắn giọt bắn, thực hiện xét nghiệm định kì. AEON Việt Nam cho biết, sẵn sàng phục vụ người dân trực tiếp từ ngày 1/10 trong trạng thái “bình thường mới”.
Về phía Masan, DN cũng đẩy mạnh đầu tư tự động hóa dây chuyền sản xuất nhằm giảm phụ thuộc nhân viên tuyển mới. Các giải pháp đã thực hiện giúp DN giảm 10% số lượng nhân viên tuyển mới, đồng thời đáp ứng cung cấp sản phẩm cho thị trường, đặc biệt trong những tháng cao điểm cuối năm.
Tại buổi họp báo sáng 30/9, lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM cho rằng, các quận/huyện/TP.Thủ Đức sẽ có kế hoạch để mở lại chợ truyền thống trên cơ sở Chỉ thị mới ban hành của TP. Còn đại diện BCĐ Phòng, chống dịch Covid-19 TP khẳng định, chợ phải đảm bảo an toàn mới được phép mở cửa trở lại. Từ các thông tin trên có thể thấy, sức ép lên hệ thống phân phối hiện đại từ ngày 1/10 sẽ có sự gia tăng đáng kể khi người dân đã được “nới lỏng” việc ra đường để mua sắm trong khi hệ thống hơn 200 chợ truyền thống trên địa bàn TP vẫn còn đóng.
Trần Chung