Mở cửa du lịch, không nên chỉ ngồi ngóng khách

21/03/2022 12:40
Chủ trương của Chính phủ về việc mở cửa để đón khách du lịch từ ngày 15/3 là rất kịp thời và đúng đắn. Tuy nhiên, chắc chắn muốn thu hút khách du lịch, nhất là khách quốc tế, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý cần phải có một chương trình bài bản, tổng thể hơn nữa, chứ không chỉ ngồi ngóng đợi...

“Gồng lỗ” để chờ khách quốc tế

Ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty TNHH Đầu tư V.A Ekatenrinburg, sở hữu khách sạn 375 phòng tiêu chuẩn 5 sao và 2 du thuyền tại Nha Trang cho biết, doanh nghiệp đã chuẩn bị cả nhân lực lẫn trang thiết bị sẵn sàng đón khách quốc tế .

Thế nhưng, nhiều ngày qua không có khách đến nào trong khi doanh nghiệp mất cả tiền tỷ để trả lương, tiền điện, nước để duy trì hoạt động khách sạn. “Các khách sạn trong Nha Trang đều rơi vào tình cảnh đìu hiu. Cứ thế này, doanh nghiệp không trụ được lại phải đóng cửa cho đến khi có khách quốc tế”, ông Vinh nói.

Còn chị Thu Phương, chủ chuỗi khách sạn trên phố cổ Hà Nội cho biết, sau 2 năm đại dịch COVID-19 hoành hành, từ 10 khách sạn hiện chị chỉ còn giữ lại được 3. Cả 3 khách sạn này đều được sửa chữa, sẵn sàng đón khách quốc tế.

Mở cửa du lịch, không nên chỉ ngồi ngóng khách - Ảnh 1.

Khách quốc tế đến Việt Nam khi chưa có dịch. Ảnh: Như Ý


Nếu như trước dịch, các khách sạn tại khu vực phố cổ Hà Nội đều hoạt động hết công suất và không lúc nào có phòng trống, nhưng hiện nay chỉ khoảng 5% (không kể nhà nghỉ) còn hoạt động và cũng chỉ bán được lác đác một vài phòng cho khách nội địa với giá bằng 1/5 so với trước.

“Để chuẩn bị sẵn sàng cho việc đón khách, ngoài việc tân trang lại cơ sở vật chất tuyển nhân sự mới. Hy vọng sau khi mở cửa, khách sạn sẽ sớm đón được khách, chứ giờ chưa thấy khách đâu”, chị Phương nói.

Đại diện Cty Cổ phần Du lịch Việt Á Hà Nội chia sẻ: “Sau kỳ nghỉ bất đắc dĩ đầu tiên và duy nhất sau hơn 10 năm hoạt động, chúng tôi rất mong mỏi những tháng ngày quay lại với công việc. Hiện cứ mở cửa ra như thế này nhưng chưa có bất kỳ đối tác nào đặt lịch, đặt tua. Vì chủ yếu tiếp khách quốc tế nên có lẽ phải mất khoảng 6 tháng nữa, doanh nghiệp như chúng tôi mới bắt đầu có khách”.

Các doanh nghiệp khác chuyên bán tua nội địa cho khách nước ngoài tại khu vực phố cổ cũng nhận định rằng, sẽ phải mất một khoảng thời gian chờ để bắt đầu đón được khách quốc tế. Lý do là, phần lớn khách quốc tế thường phải mất từ 6 tháng đến cả năm chuẩn bị để có một chuyến du lịch.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cho rằng, thông điệp mở cửa đã rõ ràng, cần nhất lúc này là các hướng dẫn cụ thể, có quy chế chung thống nhất để doanh nghiệp yên tâm triển khai, thông tin đến đối tác nước ngoài cũng như du khách quốc tế.

Quảng bá hơn nữa hình ảnh Việt Nam

Anh Nguyễn Văn Dũng, hướng dẫn viên du lịch tiếng Anh thị trường inbound (đón khách quốc tế vào Việt Nam), cho biết, trong 2 năm đóng cửa, các hướng dẫn viên dù không biết bao giờ mới đón khách nhưng vẫn ngồi lại với nhau, thực hiện các cảnh quay đẹp của Việt Nam và thuyết minh cho những du khách quốc tế chưa thể vào Việt Nam. “Các hướng dẫn viên truyền tay nhau những hình ảnh đó để chờ ngày đón khách vào lại Việt Nam trong thời gian sớm nhất”, anh Dũng nói.

Ông Hà Văn Siêu (phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam) cho biết, việc mở lại hoạt động du lịch quốc tế, nội địa từ ngày 15/3 đồng nghĩa với việc kết thúc giai đoạn thí điểm, tất cả các điểm đến trên cả nước đều được đón khách một cách an toàn.

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh hoạt động phục hồi du lịch một cách hiệu quả, Tổng cục Du lịch xác định công tác truyền thông sẽ đi đầu trên 2 phương diện: Thông tin truyền thông, quảng bá kết nối thị trường qua truyền thông số, mạng xã hội; kênh bán hàng, tiếp thị trực tiếp của các hãng lữ hành, hãng hàng không, các cơ sở dịch vụ, đặc biệt là các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hãng truyền thông quốc tế.

Du lịch Việt Nam đã có chương trình quảng bá du lịch “Live fully in Vietnam” (Sống trọn vẹn tại Việt Nam) và ngành du lịch sẽ tập trung cao độ cho chương trình này. Chương trình tập trung truyền tải thông điệp có ý nghĩa mời bạn bè, du khách trên toàn thế giới đến Việt Nam trong điều kiện bình thường mới, đảm bảo an toàn, hấp dẫn và có những trải nghiệm thú vị, đầy sức sống với thiên nhiên, văn hóa Việt Nam.

Không dễ kéo nhân lực quay lại ngành du lịch

Tại tọa đàm “Mở cửa du lịch hậu COVID - Những vấn đề nóng cần giải quyết” ngày 20/3, ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho rằng, muốn phục hồi du lịch, một trong những vấn đề cần chuẩn bị tốt là nguồn nhân lực. Bởi lẽ, thời gian qua khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, sự dịch chuyển lao động từ khối du lịch, dịch vụ sang các ngành khác là rất lớn.

“Muốn kéo nguồn lao động này quay trở lại là không dễ dàng, không phải tất cả đều muốn quay lại ngay. Rõ ràng dù hoạt động du lịch đã mở cửa nhưng chưa đảm bảo chắc chắn, nên việc kéo người lao động quay lại là họ phải suy nghĩ. Chúng tôi cho rằng, du lịch chất lượng cao không phải là khách sạn 5 sao hay 6 sao mà phải là “con người 5 sao, 6 sao”, nếu làm không được thì không kịp có du lịch chất lượng tốt. Lao động ngành này phải được đào tạo bài bản”, ông Thủy nói.

Ông Hoàng Anh Dũng, Giám đốc Kinh doanh Công ty Du thuyền Ambassador Cruise cho biết, kế hoạch trong thời gian tới, bên cạnh hướng đến các đối tác ở những thị trường tiềm năng tại châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc, xa hơn là châu Âu, châu Mỹ, doanh nghiệp cũng tập trung vào khách hàng nội địa.

“Trước đây, chúng tôi có 75% khách nước ngoài và 10-25% khách nội địa. Khách nội địa thậm chí khó phục vụ hơn khách nước ngoài, với dịch vụ 5-6 sao họ mong đợi tốt hơn”, ông Dũng nói và cho rằng, điều này đặt ra yêu cầu phải luôn bồi dưỡng nhân sự để đáp ứng yêu cầu của du khách, xa hơn là đón được các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Canada.

Tin mới

iPhone của bạn sắp thành "đồ cổ"? Đây là điều bạn cần biết!
2 giờ trước
Mọi sản phẩm công nghệ đều có giới hạn vòng đời. Apple cam kết hỗ trợ các thiết bị của mình ít nhất 5 năm sau khi ngừng bán, nhưng sau mốc thời gian này, chúng có thể bị phân loại là “hàng cũ”.
"Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hoà là đẩy lùi sinh hoạt 40-50 năm"
28 phút trước
Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất loại điều hoà nhiệt độ khỏi danh mục mặt hàng chịu thuế trong dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Cuộc chạy đua robot của các 'ông lớn' công nghệ ngày càng nóng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng vừa nhanh chóng tham gia
15 phút trước
Thị trường này được dự báo sẽ đạt 38 tỷ USD vào năm 2035, với gần 1,4 triệu lô hàng.
FWD Việt Nam: Điểm sáng trong bảng xếp hạng môi trường làm việc 2024
40 phút trước
Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD tiếp tục được vinh danh trong bảng xếp hạng Top 100 Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam 2024, khẳng định vị thế hàng đầu trong thị trường lao động.
Doanh số tại Việt Nam tăng mạnh, Yamaha kiếm được bao nhiêu tiền?
32 phút trước
Trong Quý III/2024, Việt Nam là thị trường có tăng trưởng doanh số cao thứ 2 trên toàn thế giới của Yamaha.

Tin cùng chuyên mục

Người hút xì gà sẽ phải trả thuế tối đa 100.000 đồng/điếu
13 giờ trước
Tại dự thảo sửa đổi Thuế tiêu thụ đặc biệt vừa được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, lấy ý kiến trước khi thông qua, cơ quan soạn thảo đề xuất đánh thuế tuyệt đối ở mức rất cao đối với xì gà.
Tivi giảm giá sốc, nhiều mẫu chỉ còn dưới 3 triệu đồng/chiếc
17 giờ trước
Ngoài việc giảm giá lên đến 90%, nhiều mẫu tivi còn được tặng kèm quà hấp dẫn để thu hút người tiêu dùng.
Đại lý xả kho Wuling Mini EV 2023 còn 185 triệu đồng, chỉ nhỉnh một chút so với xe máy tay ga cao cấp
18 giờ trước
Mức giảm của Wuling Mini EV LV2 120 km sản xuất 2023 giống với giá ưu của những chiếc  Wuling Mini EV LV1 bản 120 km cuối cùng được bán tại các đại lý.
Hàng chục nghìn tấn ‘vàng trên cây’ từ Indonesia đổ bộ Việt Nam: Toàn cầu liên tục khan hiếm, nước ta nắm trùm với 60% sản lượng
18 giờ trước
Nguồn cung sụt giảm từ nước ta đang gây tác động lớn đến giá trên toàn thế giới.