Thời cơ và thách thức
Ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết 54 xác định, mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Trên cơ sở Nghị quyết 54, ngày 27/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 83/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Đặc biệt, Thừa Thiên Huế đã được Quốc Hội, Chính phủ quan tâm ban hành Nghị quyết 38/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và Nghị định số 84/2022/NĐ-CP về việc thành lập và Quy chế hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế.
Những chính sách tạo cơ sở cho Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đã hội đủ, tuy vậy, vẫn còn nhiều thách thức trong việc hiện thực hoá mục tiêu.
Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Ảnh: Huecity.gov.vn
Theo ông Lê Văn Cường, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế, một trong các thách thức lớn của tỉnh đó là phải đảm bảo các điều kiện bảo tồn và phát triển đô thị di sản, giải quyết bài toán giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa; giữa bảo tồn, giữ gìn truyền thống và phát huy các giá trị di sản; giữa phát triển đô thị di sản và phát triển thành phố trực thuộc Trung ương; giữ được các thương hiệu mà thành phố đã dày công xây dựng và định vị.
Ngoài ra, với diện tích tự nhiên tương đối lớn (gần 5.000 km2), để phát triển đô thị, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thành phố trực thuộc Trung ương, đòi hỏi tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 2021-2025 lên đến gần 180.000 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách nhà nước được xác định khoảng 30.000 tỷ, vốn doanh nghiệp và dân cư vào khoảng 60.000 tỷ đồng.
"Trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, việc huy động các nguồn lực đầu tư trở thành thách thức rất lớn đối với tỉnh", ông Cường cho biết.
Hướng phát triển mới
Hiện nay, có không ít thắc mắc về mô hình đô thị trực thuộc Trung ương của Thừa Thiên Huế trong tương lai sẽ như thế nào, đặc biệt là trước thông tin sẽ không còn đơn vị hành chính "TP. Huế" - danh xưng vốn đã tạo nên thương hiệu tầm cỡ quốc tế của tỉnh Thừa Thiên Huế sau khi địa phương này trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Ông Bạch Chơn Đông, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên Huế xác nhận cho biết, phương án mô hình thành phố trực thuộc Trung ương của Thừa Thiên Huế sẽ không còn TP. Huế trong thành phố trực thuộc trung ương.
"Mô hình thành phố trực thuộc Trung ương sẽ có 9 đơn vị hành chính cấp huyện bao gồm 3 quận, 2 thị xã và 4 huyện. Cụ thể, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của TP. Huế từ 29 phường, 7 xã còn lại 32 phường, chia thành 2 quận. Quận phía Bắc (sông Hương) gồm 13 phường, quận phía Nam gồm 19 phường. Sắp xếp, điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập các phường và thành lập quận Hương Thủy trên cơ sở địa giới hành chính của thị xã Hương Thủy.
Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của huyện Phong Điền từ 15 xã và 1 thị trấn còn lại 12 đơn vị, gồm 6 phường và 6 xã. Thành lập thị xã Phong Điền trên cơ sở địa giới hành chính huyện Phong Điền. Thị xã Hương Trà mới sẽ sáp nhập xã Dương Hòa (thị xã Hương Thủy) và thành lập phường Hương Toàn trên cơ sở xã Hương Toàn hiện nay.
Thành lập huyện mới trên cơ sở địa giới hành chính huyện Phú Lộc và huyện Nam Đông. Các huyện Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới giữ nguyên hiện trạng", ông Bạch Chơn Đông cho biết.
Sau khi toàn tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, khu vực TP. Huế hiện nay sẽ chia thành 2 quận mới, lấy sông Hương làm ranh giới. Ảnh: Internet
Cũng theo ông Bạch Chơn Đông, đối với phương án lựa chọn tên gọi chung cho thành phố trực thuộc Trung ương, hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế đưa ra 2 phương án, thứ nhất là tên gọi "Thành phố Huế", phương án hai là "Thành phố Thừa Thiên Huế".
"Tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 10 vừa qua, hầu hết ý kiến của các đại biểu thống nhất cao với Tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy với đề xuất phương án thứ nhất đó là "Thành phố Huế". Riêng với khu vực địa giới hành chính TP. Huế hiện nay, dự kiến chia làm 2 quận và lấy sông Hương làm ranh giới. Về tên gọi, hiện tỉnh đang đưa ra một số tên gọi dự kiến để lấy ý kiến của người dân sắp tới: Quận Thừa Thiên/Thuận Hóa/Ngự Bình ở phía Nam và quận Phú Xuân/Thuận Hóa/Hương Giang ở phía Bắc", ông Đông thông tin thêm.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương, nhằm hiện thực hoá mục tiêu đến năm 2025 sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang tập trung huy động, phân bổ mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng phát triển khung hạ tầng, phát triển đô thị như: Tuyến đường bộ ven biển, đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt Sông Hương, đường vành đai 3, đường Mỹ An - Thuận An, đê chắn sóng cảng Chân Mây - giai đoạn 2, hạ tầng khu đô thị mới Thuận An theo chương trình phát triển đô thị của tỉnh. Tập trung hoàn thiện hạ tầng đô thị TP. Huế; ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng đô thị Phong Điền, nâng cấp đô thị thị xã Hương Trà và Hương Thuỷ theo định hướng phát triển của Tỉnh.
"Trong tương lai, với vị thế của thành phố trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên Huế sẽ thuận lợi trong thu hút nhà đầu tư lớn, tiềm lực mạnh đến nghiên cứu đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như lấp đầy các khu công nghiệp, Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô,... Từ đó, kích thích phát triển và tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế đầu tư, sản xuất kinh doanh; giúp giải quyết việc làm, ổn định và cải thiện đời sống của người dân", ông Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.