Nội dung nổi bật:
Bối cảnh: Xuất thân từ một gia đình nghèo khó, Roby Tan bỏ Đại học từ sớm để dấn thân vào con đường kinh doanh, mặc ý kiến phản đối của cha mẹ.
Kế hoạch: Nhận thấy hệ thống phân phối và kinh doanh thẻ cào điện thoại quá lỗi thời, ông quyết định nghiên cứu và đưa ra một giải pháp "số hóa" cực kỳ đơn giản nhưng hiệu quả.
Kết quả: "Startup thẻ cào" MKNT nay đã trở thành tập đoàn triệu USD trên sàn chứng khoán, có khả năng chi phối cả ngành viễn thông Indonesia.
Cơ ngơi MKNT
Vào tuổi 45, Roby Tan hiện là đồng sáng lập của hai tập đoàn lớn trên sàn chứng khoán Indonesia. Thứ nhất là Tập đoàn Mitra Komunikasi Nusantara Tbk PT (hay còn được gọi tắt là MKNT) với tổng giá trị vốn hóa lên đến 70 triệu USD với doanh thu 443 triệu USD vào năm 2017, tiếp theo là Tập đoàn Kioson với 138 triệu USD vốn hóa và 79 triệu USD doanh thu vào năm 2017.
Trong đó, MKNT được đánh giá là một thế lực di động và viễn thông lớn ở Indonesia, với mạng lưới phân phối điện thoại, thiết bị nghe gọi, dịch vụ viễn thông cũng như các hệ thống mạng khác. Trong báo cáo tài chính năm 2017, MKNT hiện đang phát triển nhanh với hơn 94 chi nhánh, 15.000 đối tác phân phối và hơn 125.000 cửa hàng bán lẻ khắp cả nước.
Trong khi đó, Kioson là một công ty con của tập đoàn mẹ MKNT, tập trung vào các sản phẩm hỗ trợ thanh toán điện tử và đang mở rộng mạng lưới của mình với hơn 35.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Dù hiện đã không còn được công nhận là "startup" nữa, nhưng điều đặc biệt là hai tập đoàn lớn này có một xuất thân cực kỳ khiêm tốn, từ một ý tưởng startup tuy đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả.
Những ngày đầu cơ cực
Tan không xuất thân từ một gia đình khá giả, cả gia đình ông phụ thuộc vào gian hàng bách hóa nhỏ trước nhà, tại thành phố cảng Makasa, khá xa thủ đô Jakarta hoa lệ.
Vì muốn con trai của mình có một tương lai tốt hơn, cha mẹ Tan gom góp tiền để cho con mình được học tại Đại học Tarumanagara ở Jakarta.
Nhưng khác hẳn với hy vọng của cha mẹ, Tan nhanh chóng nhận ra đại học không phải là con đường phù hợp và nhanh chóng nghỉ học chỉ trong một tháng. Giấu bố mẹ, Tan lấy số tiền học phí còn lại để lập nghiệp.
Khởi đầu từ việc trao đổi và buôn bán những sản phẩm mà mình thích, chủ yếu là linh kiện điện tử và máy tính, Tan dần kiếm được lợi nhuận và phát triển cửa hàng riêng hơn 10 năm, trước khi bán nó lại cho anh trai vào năm 2002 để theo đuổi sự nghiệp trong ngành viễn thông.
Tan quyết định dấn thân vào ngành cực kỳ xa lạ này vì nhận ra một tiềm năng không ai để ý tới: hơn 200 triệu người dùng vẫn đang mua và bán những thẻ cào để nạp tiền cước điện thoại một cách cực kỳ thủ công.
"Thẻ cào đối với người dân Indonesia như là cơm vậy, không có nó, họ không thể sống được." Tan cho hay.
Vị tỷ phú này thú nhận, tuy đã nhận ra một cơ hội quá lớn, nhưng khi chập chững vào ngành vào năm 2003, ông hoàn toàn không biết nên bắt đầu từ đâu. Chính vì thế, ông chấp nhận mở một cửa hàng bán thẻ cào điện thoại trong một năm đầu, chủ yếu để tìm hiểu về thị trường và đặc biệt là những khó khăn mà người mua và người bán gặp phải.
Vào thời điểm đó, Indonesia có đến 13 nhà mạng khác nhau với những mệnh giá thẻ cào đa dạng, người dùng nếu muốn nạp tiền phải đến các cửa hàng và mua một thẻ cào giá 1 USD, 2 USD, 5 USD, 10 USD ...
Nhằm đảm bảo chất lượng, tất cả thẻ cào sẽ được sản xuất tại Jakarta và vận chuyển đến khắp 98 thành phố khắp Indonesia.
Đối với người kinh doanh, để đảm bảo rằng mình luôn có đủ tồn kho cho khách hàng, họ phải mua sẵn tất cả mệnh giá thẻ cào cho 13 nhà mạng kia, một thảm họa về vốn và quản lý.
Mô hình phân phối thủ công đó kém đến nỗi các cửa hàng lớn nhất cũng thường xuyên thiếu hụt sản phẩm.
Giải pháp đơn giản
Sau một thời gian "nằm gai nếm mật", Tan đã nghĩ ra được một giải pháp có thể làm đảo lộn mô hình phức tạp trên. Với 1.300 USD tiền vốn hiện có, Tan đã mua hơn 100 thẻ cào đủ mệnh giá của tất cả nhà mạng trong nước, cào lấy số và nhập thông tin trên vào một file Excel.
Tiếp theo đó, công ty MKNT được thành lập với cam kết cung cấp bất kỳ mệnh giá thẻ cào chỉ qua một tin nhắn. Sau khi đăng ký trở thành nhà phân phối của MKNT và gửi vào một khoản tiền cọc, người bán chỉ cần nhắn tin và sẽ được nhận ngay số thẻ mà họ cần.
Cung ứng một giải pháp "đột phá" trên thị trường, 10 nhân viên đầu tiên của công ty MKNT đã nhanh chóng "tuyển" được hơn 4.000 nhân viên tiếp thị khắp các thành phố lớn của Indonesia. Chỉ trong một năm, gần 60.000 người đã đăng ký trở thành nhà phân phối của MKNT.
Tại sao mô hình này lại hấp dẫn như thế? Thông thường, một cửa hàng có quyền bán thẻ mệnh giá 1 USD với giá 1,2 USD cho khách hàng, nhưng đó là đối với những cửa hàng với chi phí hoạt động, tiền thuê mặt bằng, vốn để trữ thẻ cào …
Với giải pháp của MKNT, một người dân thông thường cũng có thể trở thành một "doanh nhân" kinh doanh thẻ cào, đặc biệt là các lao động có thời gian rảnh như bảo vệ, người bán hàng rong và nhân viên văn phòng.
"Tôi ấn tượng nhất với câu chuyện một đối tác bán hàng rong. Trước khi tham gia mạng lưới MKNT, anh ta chỉ kiếm được hơn 1 USD mỗi ngày qua chiếc xe đẩy của mình, nhận ra được mô hình tiềm năng của công ty, anh ta đã đăng ký trở thành một nhà phân phối từ sớm và tuyển được rất nhiều đối tác phân phối trong hệ thống của mình. Chỉ trong vài năm, anh ấy đã mua được nhà, xe hơi và có hẳn một gia đình hạnh phúc của riêng mình." Tan cho hay.
Và như thế, cơ ngơi "tỷ đô" MKNT đã được hình thành dựa vào một ý tưởng "startup" quá đơn giản ấy.
Khi được hỏi "liệu anh có lời khuyên gì cho những bạn trẻ đam mê khởi nghiệp" Tan trả lời: "Năm người mà bạn tiếp xúc thường xuyên nhất sẽ quyết định bạn là ai, bạn nghĩ gì và bạn sẽ đạt được những gì trong tương lai. Vì thế, hãy tìm một nhóm bạn thích hợp. Không những thế, thiền cũng là một hoạt động rất bổ ích, nó sẽ giúp bạn bình tĩnh đối mặt với thử thách hằng ngày. Và đừng quên duy trì suy nghĩ tích cực mỗi ngày."