Ngày 26/10, vượt qua 5 tiêu chí, mô hình thành phố thông minh của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel được vinh danh lễ trao giải Truyền thông Thế giới 2021- World Communication Awards 2021.
Tại sự kiện, mô hình thành phố thông minh của Viettel đã vượt qua các đối thủ lớn như China Telecom Global, KT Corporation, ZARIOT secured SIMs trong cùng hạng mục. Đồng thời, được xướng tên bên cạnh nhiều "ông lớn" trong làng công nghệ và viễn thông thế giới như Orange, Swisscom, Airtel, Ericsson, PCCW Global...
Vậy mô hình đô thị thông minh là gì?
Ngày 10/11, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức và chủ trì Hội thảo chuyên đề số 3 trong chuỗi sự kiện thuộc Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0 với chủ đề "Phát triển đô thị thông minh trong quá trình đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch HĐLL Trung ương, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành cho biết, thành phố thông minh (smart city) là thành phố hoặc một khu vực có thể tăng khả năng cạnh tranh và chất lượng cuộc sống. Đồng thời, đây là nơi sẽ sử dụng hiệu quả tài nguyên và hỗ trợ kinh tế phát triển bền vững, bằng cách sử dụng công nghệ và sáng tạo để nâng cao chỉ số IQ của môi trường xây dựng.
Ông Thành cho biết, việc xây dựng, phát triển smart city sẽ tăng khả năng đầu tư với doanh nghiệp vừa và nhỏ; giảm chi phí cho cộng đồng dân cư, kinh doanh và du lịch. Bên cạnh đó, công dân sẽ được cung cấp dịch vụ tốt hơn; môi trường sinh thái tốt hơn, giảm thiểu ô nhiễm.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng
Theo chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Lê Quang Hùng, Việt Nam hiện đang đặt 6 nhiệm vụ chính để xây dựng thành phố thông minh. Đầu tiên là xây dựng các tiêu chí cơ bản đô thị thông minh áp dụng toàn đô thị, khu đô thị phù hợp với Việt Nam.
Các nhiệm vụ tiếp theo bao gồm việc xây dựng nền tảng pháp lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn cho đô thị thông minh; xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông (số hóa) về đất đai, quy hoạch, giao thông, dân cư và các dữ liệu không gian đô thị khác; xây dựng quy hoạch đô thị thông minh, ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS; phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị thông minh; quản lý, vận hành đô thị thông minh.
Theo ông Hùng, việc đưa ra 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm nhằm hướng đến mục tiêu vào năm 2025, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 90% hộ gia đình tại đô thị. Bên cạnh đó, cơ sở pháp lý được hoàn thiện để triển khai phát triển đô thị thông minh. Ít nhất 3 đô thị từ loại II trở lên thực hiện quy hoạch đô thị thông minh; 6 đô thị/6 vùng kinh tế có đề án tổng thể phát triển đô thị thông minh; thí điểm chứng nhận khu đô thị mới thông minh.
Đến năm 2045, Việt Nam sẽ xây dựng ít nhất 3-5 đô thị tầm cỡ quốc tế. Bên cạnh đó, có công trình kiến trúc tiêu biểu, đô thị xanh – thông minh - chuyển đổi số tiêu biểu tầm cỡ thế giới.