Khu công nghiệp cần cơ chế
Quy định về giải quyết thủ tục hành chính (thủ tục hành chính) theo chế độ một cửa được áp dụng trên thực tế cho thấy một số tích cực đã góp phần tạo chuyển biến cơ bản trong quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức và công dân và doanh nghiệp khi giảm được một số chi phí, thời gian, công sức.
Trên thực tế, cơ chế một cửa còn nhiều thủ tục rườm rà tại các khu công nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông còn những hạn chế chủ yếu như: Thẩm quyền giải quyết các thủ tục hành chính còn cắt khúc nhiều cửa và khâu trung gian; cách thức giải quyết thủ tục hành chính còn mang tính truyền thống, thủ công, chưa tích cực áp dụng những tiến bộ công nghệ để phù hợp với nhu cầu trong điều kiện hội nhập quốc tế.
Trao đổi với DĐDN cụ thể hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp khu công nghiệp TP. HCM cho biết, hiện nay cơ chế một cửa còn nhiều công đoạn, thủ tục rườm rà, các quy định và thủ tục hành chính về Tài nguyên – Môi trường và của nhiều Bộ - Ngành khác đang là nút thắt, rào cản đối với công tác thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Cụ thể, dư địa về bất động sản công nghiệp của khoảng 400 khu công nghiệp của cả nước còn nhiều, chỉ lấp đầy khoảng 70%. Thế nhưng miền Đông Nam bộ và TP. HCM vẫn thiếu mặt bằng, thiếu đất sạch với nhiều lý do, trong đó do cơ chế, do công tác đền bù giải tỏa cũng như do giá thuê đất Nhà nước …còn nhiều bất cập, khó khăn.
Chính phủ cần sớm ban hành quy phạm văn bản pháp luật về phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế
Trước những rào cản trên, ông Bé đề xuất Chính phủ cần sớm ban hành quy phạm văn bản pháp luật về phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất... nhằm đảm bảo tính công khai và minh bạch trong khâu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời bãi bỏ và giảm thiểu các thủ tục hành chính công còn rườm rà không nhất thiết.
Đây là cơ chế một cửa mới, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đang lấy ý kiến xây dựng đề án thí điểm đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
"Tôi mong rằng đề án này, sẽ được Quốc hội thông qua và Chính Phủ sớm ban hành, để có quy định pháp luật thông thoáng hơn, mang tính chất hỗ trợ và bền vững cho doanh nghiệp phát triển đúng với tiêu chí phát triển của cuộc cách mạng công nghệ số như hiện nay" - Ông Bé nói.
Theo các nhà đầu tư cho biết, hiện nay vướng mắc và ách tắc lớn nhất vẫn là giá thuê đất Nhà nước với 4 cách tính theo luật định như việc trả tiền thuê đất Nhà nước một lần hoặc từng năm. Giá thuê đất Nhà nước quá cao thì công ty đầu tư hạ tầng khu công nghiệp cho thuê lại với giá càng cao hơn (vì phải cộng thêm chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật điện, nước, giao thông…). Hệ quả sẽ là không thu hút được nhà đầu tư vào xây dựng nhà máy.
Đáng chú ý, riêng TP. HCM vấn đề đất sạch tuy còn hàng trăm hecta (ha) nhưng chưa có giá hấp dẫn, chưa sẵn sàng chuyển đổi. Trong khi đó, ngay lúc này cần gấp rút quy hoạch, thực hiện chiến lược mở rộng nới room diện tích đất công nghiệp để làm tổ đón đại bàng, thu hút nguồn lực đầu tư.
Nhằm đón các "đại bàng về làm tổ" tại các khu công nghiệp lớn, theo ông Bé, Chính phủ cần tiếp tục đổi mới và hoàn thiện thể chế kinh tế và các cơ chế chính sách, nhất là các vấn để về quy hoạch đất đai, dự án treo, các loại giấy phép về tài nguyên, môi trường. Xây dựng, rà soát các chế độ thanh tra – kiểm tra các cấp, bãi bỏ các loại thủ tục còn mang nặng cơ chế "xin cho".
"Đây là hệ luỵ, cho những thực trạng xấu còn tồn tại khi doanh nghiệp trong một năm vẫn phải tiếp đến nhiều đoàn thanh, kiểm tra ở các cấp, các ngành khác nhau đến nhũng nhiễu doanh nghiệp. Và nếu để xảy ra sai phạm, thực hiện không đúng với quy định, nội dung, lạm dụng chức vụ quyền hạn của mình gây khó khăn cho doanh nghiệp, tôi cho rằng cần căn cứ vào các điều khoản được quy định trong quy phạm pháp luật để xử lý nghiêm chế độ trách nhiệm "người đứng đầu" của cơ quan, tổ chức, đơn vị" - Đại diện Hiệp hội các Doanh nghiệp khu công nghiệp TP. HCM đề xuất.