Hội thảo diễn ra tại Khánh sạn Hoàng Anh Gia Lai với sự tham dự của Đại diện Bộ Ngoại giao, Văn Phòng cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản, Lãnh đạo tỉnh Gia Lai cùng các Sở, Ban ngành và các Hiệp hội.
Theo đó, tại hội thảo lần này các doanh nghiệp Nhật Bản đã lần lượt giới thiệu những công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp như: phun thuốc trừ sâu bằng máy bay không người lái, công nghệ điều khiển tự động, hệ thống quản lý nhân viên thông minh…. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp của Gia Lai tiếp cận được nền sản xuất nông nghiệp thông minh, thân thiện thiện với môi trường, nâng cao năng lực sản xuất.
Tỉnh Gia Lai cũng tự tin mời gọi các nhà đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh gồm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dịch vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch. Đây là những thế mạnh được tỉnh Gia Lai đề ra trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội thời kỳ 2021-2030.
Mở đầu cho hội thảo, ông Nguyễn Duy Lộc - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai cho hay, “Gia lai là một địa phương tiềm năng, và nhiều cơ hội để cho doanh nghiệp đầu tư khai phá. Trong sản xuất nông nghiệp thì tỉnh còn đang thiếu các khâu chế biến sản phẩm sâu chế biến tinh, rất là nhiều.
Điều này có nghĩa là sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được chế biến đến sản phẩm cuối cùng và đưa tận tay cho người tiêu dùng thưởng thức giá trị của nó. Gia Lai có hơn 800 ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có hơn 444 ngàn ha đất trồng cây hàng năm và hơn 357 ngàn ha đất trồng cây lâu năm. Diện tích cây ăn trái khoảng 18.180 ha, tăng gấp 4,2 lần so với năm 2015”.
Ông Go Yasuharu – Chủ tịch HĐQT Công ty World Suiko nhận xét “Gia lai có một môi trường tự nhiên rất là tốt, môi trường sản xuất nông nghiệp tương đối phát triển. Tuy nhiên điều cần phải làm là Gia Lai phải làm sao bảo vệ môi trường tự nhiên thật tốt. Thúc đẩy ý thức người dân sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường. Tại Gia Lai, mảng gia công chế biến là mảng đầu tư rất hấp dẫn với chúng tôi, và thật tuyệt nếu được đầu tư ở đây”.
Ký kết hợp tác chiến lược giữa Sở Ngoại vụ tỉnh Gia Lai - Trung tâm Dịch vụ Đối ngoại & Hội nghị quốc tế - Trung tâm giao lưu Nhật - Việt.
Trưởng đại diện Văn phòng cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản, ông Shimizu Akira trả lời phỏng vấn của phóng viên cũng xác nhận rằng “Gia Lai là mảnh đất đầu tư đầy tiềm năng chưa được khai phá đúng mức. Hội thảo lần này sẽ là cơ hội để doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư mạnh vào Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Nâng tầm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Gia Lai lên một mặt bằng mới.”
Phó tổng Lãnh sự Nhật Bản tại thành phố Đà Nẵng - ông Shimonishi Kiyoshi cho biết, tỉnh Gia Lai nổi tiếng về sản phẩm nông nghiệp như hạt tiêu, cà phê, cao su. Các nhà doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang nhập khẩu những sản phẩm này từ tỉnh Gia Lai. Chính phủ Nhật Bản đã và đang triển khai một số dự án hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp như Dự án "Nâng cao năng lực phát triển nông nghiệp và nông thôn có sự tham gia của người dân nhằm xóa nghèo ở khu vực Tây Nguyên" được triển khai tại huyện Mang Yang. Ông cũng tin chắc rằng việc hợp tác giữa Nhật Bản và tỉnh Gia Lai không chỉ là trong lĩnh vực nông nghiệp mà còn ở rất nhiều lĩnh vực khác còn tiềm năng khai thác.
Cũng trong hội thảo lần này các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản đã ký 6 biên bản ghi nhớ, hợp tác mở rộng sản xuất đầu tư.
Doanh nghiệp Nhật Bản giới thiệu về sản xuất thông minh, an toàn.
Trước cơ hội nâng tầm sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhà, ông Hồ Phước Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho hay “Tôi tin tưởng rằng với kết quả này sẽ mở ra cho Gia Lai nói riêng và khu vục Tây Nguyên nói chung sẽ hợp tác chặt chẽ với các địa phương và doanh nghiệp của Nhật Bản về công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp. Nhu cầu của Gia Lai là rất mong các doanh nghiệp Nhật Bản đặt bản doanh tại Gia Lai sẽ có điều kiện đưa nông sản của tỉnh và Tây Nguyên vươn xa hơn nữa”.
Bên cạnh đó, ông Hồ Phước Thành cũng cho các doanh nghiệp Nhật Bản biết tại Gia Lai đang có rất nhiều cơ sở sản xuất năng lượng mặt trời. Tuy nhiên tại địa phương và khu vực lại thiếu linh kiện pin, thiết bị cung cấp bảo dưỡng cho các nhà máy sản xuất năng lượng, đồng thời thiếu nhà máy xử lý pin khi hết hạn sử dụng. Vấn đề này cũng được các doanh nghiệp Nhật Bản ghi nhận trong danh mục đầu tư của mình.
“Qua hội thảo lần này đại biểu đã thấy Gia Lai phấn đấu xây dựng một địa phương phát triển bền vững gắn với bảo tồn văn hoá. Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội hoá xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, nâng cao phát triển dịch vụ, du lịch xứng đáng với tiềm năng mà tỉnh đang có. Tỉnh cũng cam kết cải cách hành chính, đơn giản hoá thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi doanh nghiệp khi đầu tư vào tỉnh Gia Lai. Chúng tôi xác định rằng Nhật Bản là một thị trường khó tính nên doanh nghiệp ở địa phương phải thay đổi cách làm để xâm nhập thị trường Nhật Bản và châu Á.
Chuyển đổi số và xử lý nước thải, môi trường cũng được tỉnh Gia Lai hết sức quan tâm tạo điều kiện, và tỉnh Gia Lai mong doanh nghiệp Nhật bản tổ chức những họi thảo, buổi giới thiệu để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được công nghệ. Tôi hy vọng rằng sau hôm nay các mối liên kết giữa các doanh nghiệp hôm nay sớm đơm hoa kết trái”, ông Hồ Phước Thành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai hy vọng.