Mở rộng điều tra hoạt động của Khaisilk

01/11/2017 09:12
Cục QLTT đã yêu cầu các chi cục QLTT kiểm tra mở rộng những dấu hiệu kinh doanh gian lận của hệ thống Khaisilk ở Hà Nội, TP HCM cũng như tại các khách sạn, resort 5 sao ở nhiều địa phương

Bên hành lang Quốc hội sáng 31-10, trao đổi với báo chí vì sao Bộ Công Thương quyết định chuyển hồ sơ vụ Khaisilk cho cơ quan điều tra, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết hành vi làm giả nhãn mác cho các sản phẩm nhập từ nước ngoài là lừa dối, gây ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng, vi phạm pháp luật ở nhiều khía cạnh khác nhau…

 QLTT TP HCM kiểm tra một cửa hàng Khaisilk tại quận 1, TP HCM chiều 31-10 Ảnh: NGỌC ÁNH

QLTT TP HCM kiểm tra một cửa hàng Khaisilk tại quận 1, TP HCM chiều 31-10 Ảnh: NGỌC ÁNH

"Chúng tôi thấy đã đủ các yếu tố để cấu thành phạm pháp hình sự, đặc biệt là tính chất nghiêm trọng trong lĩnh vực này" - Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhìn nhận về quy mô cũng như các mức độ của hành vi vi phạm này đã vượt quá ngưỡng xử lý vi phạm hành chính, đủ điều kiện để chuyển các cơ quan điều tra về kinh tế làm rõ.

Ngoài ra, báo cáo của Chi cục QLTT TP Hà Nội, Cục QLTT, Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương cho thấy rằng có sự phức tạp trong mối liên hệ giữa Tập đoàn Khaisilk với các cửa hàng trực thuộc trong việc kinh doanh các sản phẩm sử dụng nhãn mác giả. "Vì vậy, cần phải có lực lượng chức năng để làm rõ mức độ vi phạm hình sự của hoạt động kinh doanh này. Vì vậy, chúng tôi đã thống nhất yêu cầu chuyển cơ quan điều tra làm rõ" - ông Tuấn Anh nói.

Khoảng 16 giờ ngày 31-10, trao đổi với phóng viên Báo Người lao Động, một lãnh đạo Phòng CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ Hà Nội cho biết đơn vị này vẫn chưa vào cuộc điều tra vụ Khaisilk do chưa nhận được hồ sơ. Khi tiếp nhận vụ việc, phòng sẽ phối hợp với các đơn vị khác để làm rõ sai phạm trên hệ thống các đại lý của Khaisilk ở nhiều địa phương và sẽ thông tin công khai trước dư luận.

Trong khi đó, ông Chu Xuân Kiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP, cho biết theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương và Cục QLTT, đơn vị đã chuyển hồ sơ vụ Khaisilk đến cơ quan điều tra, Phòng CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ Công an Hà Nội để mở rộng điều tra các vi phạm về sản xuất hàng hóa cũng như các vấn đề về thuế, bất động sản của Khaisilk.

Cũng liên quan đến vụ bê bối của Khaisilk, Tổng cục Hải quan cho hay đã có động thái "truy" số lượng lụa Trung Quốc nhập khẩu. Ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, cho biết cơ quan thuế chỉ nắm dữ liệu nhập khẩu lụa nói chung cũng như số thuế các doanh nghiệp (DN) nộp trên cả nước. Với Khaisilk, cơ quan thuế cũng chỉ nắm được số thuế tổng mà DN này đóng; còn lượng nhập phải yêu cầu hải quan địa phương nơi DN này khai báo nhập báo cáo.

Tổng cục Hải quan cho biết các số liệu về lượng nhập lụa từ Trung Quốc sẽ sớm được công bố. Song, lượng nhập từng đơn vị, DN riêng rẽ sẽ không được công khai vì thuộc về bí mật của DN, nghiệp vụ của ngành hải quan.

"Chỉ trừ trường hợp cơ quan điều tra yêu cầu, số lượng nhập của từng DN mới được bóc tách. Tuy nhiên, không loại trừ có DN khác nhập về cho Khaisilk" - đại diện Tổng cục Hải quan nhìn nhận.

Kiểm tra toàn bộ hoạt động Khaisilk ở TP HCM

Sáng 31-10, Văn phòng UBND TP HCM có văn bản khẩn thông báo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến liên quan đến những vụ việc có dấu hiệu gian lận thương mại trên địa bàn TP. Theo đó, ông Tuyến giao Sở Công Thương, Chi cục QLTT TP khẩn trương kiểm tra toàn bộ hoạt động của Công ty CP Đầu tư Khaisilk và tất cả đơn vị, DN trên địa bàn TP có biểu hiện gian lận thương mại để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Chiều cùng ngày, Chi cục QLTT TP HCM đã tiến hành kiểm tra các cửa hàng Khaisilk trên địa bàn. Tại thời điểm kiểm tra, điểm kinh doanh hàng thời trang của Khaisilk đều đóng cửa. Lực lượng chức năng phải thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để yêu cầu đại diện các cửa hàng mở cửa.

Theo ghi nhận của phóng viên tại cửa hàng 101 Đồng Khởi (quận 1), hàng hóa vẫn còn trưng bày, chủ yếu là khăn lụa các loại. Hoạt động kiểm tra của cơ quan chức năng chỉ mới dừng ở tầng trệt, trong khi biển hiệu Khaisilk được trưng ở cả 2 tầng trên. Các phóng viên tác nghiệp rất khó khăn do bảo vệ ở đây cản trở. Tại cửa hàng Khaisilk bên trong một khách sạn trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1), hàng hóa không còn trưng bày, một số được cất ở kho phía trong. Tại đây có nhiều nhãn mác Khaisilk để riêng chưa gắn vào sản phẩm.

Theo ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP HCM, kết quả kiểm tra của các tổ sẽ được tổng hợp, báo cáo sau. Công tác xác minh vẫn đang được tiếp tục thực hiện. Nếu phát hiện nghi vấn sẽ kiểm tra ngay để xác minh nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất (trong nước hoặc nhập khẩu), hợp đồng gia công...

NG.ÁNH - PH.ANH

GÓC NHÌN

Buôn bán hàng giả hay lừa dối khách hàng?

Có thể nói vụ gian lận thương mại của Khaisilk là vụ việc có tính chất nghiêm trọng nhất trong mấy năm gần đây trên lĩnh vực thương mại. Khaisilk đã lợi dụng lòng tin tuyệt đối của người tiêu dùng đối với thương hiệu của mình để trục lợi. Hành vi này là có chủ đích và được thực hiện có hệ thống. Mặc dù chưa có số liệu chính thức thống kê số tiền thu lợi bất chính là bao nhiêu nhưng như kết luận của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, vụ việc nghiêm trọng đến mức phải xử lý hình sự, thì cũng đủ cho thấy mức thu lợi bất chính là không nhỏ.

Hành vi của Khaisilk có dấu hiệu tội phạm nào, được quy định ra sao trong Bộ Luật Hình sự (BLHS) hiện hành là điều được dư luận hết sức quan tâm. Ở góc độ pháp luật, tôi cho rằng Khaisilk có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự của 1 trong 2 tội: "Sản xuất, buôn bán hàng giả" theo điều 156 BLHS hoặc "Lừa dối khách hàng" theo điều 162 BLHS.

Sở dĩ tôi cho rằng hành vi của Khaisilk có dấu hiệu của 1 trong 2 tội trên là vì việc mua hàng hóa từ Trung Quốc về, sau đó cắt bỏ xuất xứ "Made in China" và gắn vào thông tin "Made in Vietnam" là hành vi giả về xuất xứ hàng hóa.

Theo khoản 8, điều 3 Nghị định 185/2013-NĐ-CP, hàng giả có 3 loại: hàng giả về nội dung - hàng giả về chất lượng hoặc công dụng; hàng giả về hình thức - hàng giả về nhãn hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, nguồn gốc xuất xứ; hàng giả về nội dung và hình thức - loại hàng hóa vừa mang nhãn hiệu, kiểu dáng của cơ sở sản xuất khác. Hành vi của Khaisilk có dấu hiệu vi phạm Nghị định 185/2013 và điều 156 BLHS.

Tuy nhiên, hành vi của Khaisilk cũng có dấu hiệu của tội "Lừa dối khách hàng", được quy định tại điều 162 BLHS. Những người có trách nhiệm của Khaisilk biết rõ hàng hóa mà họ bán ra không phải là tơ lụa Việt Nam nhưng vẫn gắn xuất xứ Việt Nam để bán giá cao. Trong khi đó, người tiêu dùng vì tin tưởng vào thương hiệu, vào uy tín doanh nghiệp mà không một chút nghi ngờ mình mua hàng "dỏm".

Về mặt khách quan của tội phạm, giữa 2 tội danh này có những dấu hiệu tương tự nhau. Cụ thể, đều có hành vi gian dối trong việc bán hàng, kinh doanh dịch vụ nhằm thu lợi bất chính; hàng chất lượng kém nhưng bán theo giá hàng chất lượng tốt; cố tình thay thế phụ tùng có giá trị thấp, giả về xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa... để khách hàng phải thanh toán số tiền nhiều hơn giá trị hàng hóa, dịch vụ thực tế.

Do vậy, để xác định chính xác hành vi vừa qua của Khaisilk có dấu hiệu của tội danh nào thì cần xem xét đến khách thể của tội phạm mà hành vi này nhắm tới. Về lý luận khoa học hình sự, khách thể của tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả" là xâm phạm chính sách quản lý thị trường của nhà nước, đồng thời xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người sản xuất (hàng thật) và của người tiêu dùng. Còn khách thể của tội "Lừa dối khách hàng" là xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, uy tín của doanh nghiệp.

Về hình phạt, tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả" có mức hình phạt lên đến 15 năm tù, còn tội "Lừa dối khách hàng" lên đến 7 năm tù. Để xác định chính xác hành vi trên thuộc tội danh nào thì cần phải được cơ quan điều tra làm rõ. Trước mắt, theo tôi, cơ quan điều tra cần khởi tố vụ án hình sự để làm cơ sở cho việc thực hiện các hoạt động tố tụng tiếp theo.

Việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự không chỉ trả lại sự công bằng cho khách hàng đã trót mua nhầm hàng của thương hiệu Khaisilk mà còn bảo vệ uy tín cho sản phẩm tơ lụa Việt Nam được sản xuất từ các làng nghề truyền thống, thu hồi những đồng tiền thu lợi bất chính của gian thương.

Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM)

Tin mới

Sau thời gian 'chạy ầm ầm' ở Việt Nam, một mẫu xe VinFast đã bàn giao tại Mỹ: Rất hợp bản địa!
10 giờ trước
VinFast vừa chính thức bàn giao lô đầu tiên của mẫu xe điện VF 9 tại Mỹ.
Hai tháng nữa là Tết, Vespa 946 bản Rồng 'hết thời' hét giá, từng đắt ngang xe sang nay có nơi rao dưới 500 triệu
9 giờ trước
Từng một thời có giá bị thổi lên tới 700-800 triệu, cao hơn hẳn mức chính hãng 455 triệu, nay Vespa 946 Dragon nhập khẩu không chính hãng được rao bán với giá tầm 400-600 triệu đồng.
Xe ô tô Trung Quốc nhập vào Việt Nam tăng gấp đôi
8 giờ trước
Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt thương hiệu ô tô Trung Quốc từ xe xăng cho đến hybrid và xe thuần điện tràn vào Việt Nam.
Ngành hàng tỷ đô Việt Nam lọt top đầu thế giới, hơn 100 quốc gia từ Á sang Âu đều mê thích
8 giờ trước
Mỹ, EU, Trung Đông và các nước CPTPP là 4 thị trường tiêu thụ nhiều nhất mặt hàng này của Việt Nam.
Nhộn nhịp khuyến mãi cuối năm
7 giờ trước
Mùa cao điểm mua sắm cuối năm đã bắt đầu khi người tiêu dùng chi tiêu mạnh tay hơn nhằm chuẩn bị cho các dịp lễ, Tết sắp tới

Tin cùng chuyên mục

Ông nông dân thu lãi 1 tỷ đồng nhờ "bẻ lái" nuôi con "vừa ngon vừa đẹp"
9 giờ trước
Nuôi loài vật thịt thơm, ngon, màu sắc đẹp, lớn nhanh, nông dân Đỗ Văn Được (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) thu lãi gần 1 tỷ đồng/năm.
Chủ xe Defender lái 7.000km xuyên Việt Nam - Thái Lan: ‘Chạy địa hình sướng, có đoạn vượt 4.000 khúc cua, vẫn còn điểm bất tiện’
9 giờ trước
Anh Nguyễn Hoàng Anh - Chủ nhân chiếc Porsche 911 Dakar đầu tiên Việt Nam, vừa hoàn thành chuyến đi từ Việt Nam qua Lào rồi Thái Lan bằng chiếc Defender.
Tin buồn dành cho người dùng iPhone, iPad cũ
9 giờ trước
Apple vừa thông báo về việc ngừng hỗ trợ sao lưu iCloud cho các thiết bị iPhone và iPad chạy iOS 8 trở về trước.
Vàng mã, túi nylon sẽ phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt?
14 giờ trước
Theo Đại biểu Quốc hội, hành vi đốt mã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và gây lãng phí lớn vì vậy cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này.