Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư phát triển công nghiệp và vận tải (Tracodi, mã TCD) cho biết, liên doanh Antraco (TCD sở hữu 50% vốn) đã lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh An Giang cho phép mở rộng mỏ đá tăng công suất khai thác lên xấp xỉ 50 triệu m3. Hồ sơ của Công ty đã được chấp thuận.
Mỏ đá Antraco có trữ lượng khai thác giai đoạn 1 khoảng 28 triệu m³ (đã khai thác khoảng 20 triệu m³). Giai đoạn 2, Công ty đang khảo sát thăm dò trữ lượng 20 triệu m³.
Antraco có công suất khai thác đến 1,5 triệu m³/năm, chất lượng đá phù hợp để cung cấp cho nhiều thị trường khó tính, công trình hạ tầng giao thông trọng điểm. Đá Antraco đã có mặt ở nhiều công trình giao thông lớn như: cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, cầu Vàm Cống, sân bay Phú Quốc, Cần Thơ, cầu Cần Thơ, đường lộ Phụng Hiệp...
Hiện nay, nhu cầu vận tải liên kết vùng TP.HCM và Tây Nam Bộ tăng trưởng ở mức cao, tuy nhiên mới chỉ có 40 km đường cao tốc (TP.HCM - Trung Lương) được xây dựng trong tổng số 1.000 km đường cao tốc trên cả nước. Do đó, việc nâng cấp hạ tầng khu vực phía Nam, ĐBSCL sẽ là trọng điểm trong chiến lược đầu tư công 2021-2025 của Chính phủ.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Công ty, đá vật liệu đòi hỏi chi phí vận chuyển khá lớn nên thường ăn theo sự phát triển hạ tầng, xây dựng trong vùng (có bán kính trong vòng 60 km). Tới đây, nhu cầu của khu vực ĐBSCL gia tăng theo định hướng các dự án hạ tầng lớn, Công ty sẽ xin tăng công suất khai thác lên 2,5-3 triệu tấn/năm.
Bên cạnh đẩy mạnh khai thác đá xây dựng, Tracodi đặt tham vọng trở thành công ty quản lý xây dựng, đơn vị tổng thầu hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng gồm dân dụng, công nghiệp và hạ tầng giao thông. Trong các năm qua, Công ty đã liên tục cải thiện năng lực lõi bằng cách thu hút thêm các nhân sự cấp cao trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông và công nghiệp, cũng như đầu tư làm chủ các công nghệ hiện đại, đào tạo đội ngũ đạt các chứng chỉ hàng đầu trong ngành...
Hiện nay, Công ty đã có chứng chỉ xây dựng hạng I, đủ năng lực thực hiện các dự án lớn về hạ tầng, dân dụng và công nghiệp.
Thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, có gần 5.000 dự án hạ tầng đầu tư công sẽ được triển khai trong giai đoạn 2021-2025 với mức vốn bình quân là 210 tỷ đồng/dự án - gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2016-2020. Trong đó, kế hoạch giải ngân là 2,87 triệu tỷ đồng, tăng hơn 40% so với con số thực hiện giai đoạn trước.
Điều này cho thấy, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội lớn từ định hướng đầu tư công của Chính phủ, trong đó có chủ trương ưu tiên lớn cho các chương trình phát triển hạ tầng miền Nam, ĐBSCL. Nắm bắt các cơ hội này, Ban lãnh đạo TCD đặt ra mục tiêu trưởng doanh thu 50%/năm cho 3 năm tới, duy trì ROE trên 15%/năm.
Tại khu vực ĐBSCL, Tracodi là một trong số ít doanh nghiệp lớn về hạ tầng, năng lực thi công và quản trị đã được chứng minh qua hàng trăm dự án, như nâng cấp, mở rộng ĐT 830 và ĐT 824 (BOT); đường tỉnh 839 - Long An; hệ thống hạ tầng kỹ thuật Đại học Quốc gia TP.HCM; đường nội bộ & hệ thống thoát nước Công ty MD Việt Nam; Hương lộ 29 - Ô Môn, Cần Thơ; khu tái định cư Tam Quang 2 – Núi Thành, Quảng Nam; đường Trục chính Khu Đô thị mới Tam Phú - Quảng Nam; đường nối hầm Hải Vân – Túy Loan, Đà Nẵng;…
Từ năm 2021, Công ty tăng cường tham gia đấu thầu các dự án giao thông và dự án ngân sách (thông qua hợp tác với Đèo Cả Group).
Báo cáo tài chính bán niên của Công ty cho thấy, doanh thu và lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm lần lượt đạt 1.731 tỷ đồng và 205 tỷ đồng, tăng tương ứng 80% và 505% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2021, Tracodi đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 3.203 tỷ đồng, tăng 12,3%; lợi nhuận sau thuế hơn 280 tỷ đồng, tăng hơn 91% so với thực hiện năm 2020. Như vậy, sau nửa đầu năm, Tracodi đã hoàn thành 54% chỉ tiêu doanh thu và 73% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm 2021.
Lãnh đạo Công ty cho biết, kế hoạch năm 2021 sẽ được Tracodi hoàn thành dựa trên các công trình, dự án đã thi công, cũng như đóng góp từ mảng khai thác đá.