Hàng loạt mẫu xe nội sẽ ra mắt
Thực tế thị trường ô tô Việt Nam hiện nay, doanh số thị phần ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước của THACO, Hyundai Thành Công và Toyota đang chiếm khoảng 70%. Thậm chí nếu nhìn vào danh mục sản phẩm xe lắp ráp (CKD) có thể thấy, hầu hết các dòng xe du lịch dưới 9 chỗ đều đã có mặt trên thị trường. Cụ thể, ở các dòng xe nhỏ (phân khúc A) đã có Kia Morning, Hyundai i10, Chevrolet Spark. Ở phân khúc hạng B đã có Mazda2, Toyota Vios, Honda City. Phân khúc xe bình dân (hạng C) đã có Mazda3, Kia Cerato. Phân khúc crossover đã có Mazda CX-5, Hyundai Tucson, SantaFe, Chevrolet Captiva. Phân khúc SUV/MPV đã có Toyota Innova, Kia Sorento…
Không chỉ với những sản phẩm đang có, hiện nhiều dự án, nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước cũng đã và đang được triển khai rầm rộ. Hyundai Thành Công (HTC) và hãng mẹ tại Hàn Quốc vừa mới ký kết bản ghi nhớ sẽ xây dựng nhà máy mới trong năm 2019 để mở rộng sản xuất hướng tới xuất khẩu. Nhà máy liên doanh hiện tại giữa HTC và Hyundai Motor đang vận hành với tổng công suất trên 60.000 xe/năm đang sản xuất, lắp ráp các dòng xe: Hyundai SantaFe, Elantra, Grand i10, Tucson và New Porter 150. Trong biên bản được ký kết mới đây đã đề cập tới việc Hyundai Motor và HTC sẽ cùng xây dựng nhà máy ô tô thứ 2 tại Ninh Bình.
"Chính phủ Việt Nam khẳng định quan điểm đối xử bình đẳng với các nhà sản xuất lắp ráp ô tô, không phân biệt doanh nghiệp trong nước, ngoài nước, để cùng hướng đến mục tiêu chung là phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước."
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
phát biểu tại lễ khánh thành Nhà máy THACO - Mazda
Tiếp đó là Nhà máy sản xuất ô tô THACO - Mazda của Trường Hải vừa đi vào hoạt động. Theo công bố, nhà máy này tiếp tục lắp ráp các mẫu xe của Mazda đang được quan tâm hiện nay là: Mazda2, Mazda6, đặc biệt là Mazda3 và CX-5. Đây là nhà máy có công suất lên tới 100.000 xe/năm (trong giai đoạn 1 là 50.000 xe/năm) với hệ thống công nghệ hiện đại nhất Đông Nam Á, sẵn sàng cho ra những mẫu xe đạt tiêu chuẩn cao để cạnh tranh với xe nhập khẩu, hướng tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong khi đó, thương hiệu ô tô Nhật Mitsubishi Motors lần đầu tiên sau 23 năm đã cho lắp ráp mẫu xe Outlander ở nhà máy tại Việt Nam và cho xuất xưởng vào cuối tháng 1 vừa qua với giá bán giảm khoảng 200 triệu đồng/chiếc so với xe nhập khẩu nguyên chiếc ở Nhật Bản.
Ngoài các nhà máy, dự án mới, một số hãng xe hiện nay tiếp tục duy trì việc sản xuất, thậm chí đang mở rộng với quy mô lớn hơn. Cụ thể, Ford Việt Nam vừa đánh dấu tròn 20 năm sản xuất đã chính thức xuất xưởng Ford EcoSport tại nhà máy ở Hải Dương và giao tới tay khách hàng trong tháng 3 vừa qua. Ông Phạm Văn Dũng, Tổng giám đốc Ford Việt Nam cho biết, để đáp ứng kế hoạch sản xuất của EcoSport mới, Nhà máy Ford Việt Nam đã đầu tư đáng kể vào dây chuyền sản xuất như robot ở xưởng thân xe để dập và đột lỗ vuông trên phần đầu xe; 20 máy hàn, hàng trăm thiết bị lắp và siết bu lông giúp kiểm soát lực siết tiêu chuẩn. Tất cả các thiết bị này trị giá hàng triệu USD.
Đối với Toyota Việt Nam, việc các dòng xe du lịch đang lắp ráp trong nước vẫn có những kết quả kinh doanh khả quan, cùng tỉ lệ nội địa hóa khá cao nên tiếp tục nhận được sự đầu tư duy trì sản xuất của thương hiệu Nhật Bản này.
Một tín hiệu nữa mang lại hy vọng cho người tiêu dùng về việc sẽ được sở hữu những dòng xe giá bán hợp lý khi VinFast với các dòng xe du lịch chạy xăng/điện cũng sẽ có mặt trên thị trường từ năm tới với công suất giai đoạn 1 là 100.000 - 200.000 xe/năm. Theo một số nguồn tin, ô tô mang thương hiệu VinFast sẽ có tỷ lệ nội địa hóa rất cao, ít nhất trên mức 40% để có thể hiện thực hóa tuyên bố xây dựng thương hiệu ô tô Việt và được hưởng mức thuế ưu đãi theo Hiệp định Thương mại ATIGA, xuất khẩu ra thị trường khu vực và thế giới.
Giảm giá để cạnh tranh và xuất khẩu
Thực tế từ hơn một năm nay với những chính sách mới về thuế nhập khẩu cũng như những thay đổi về chiến lược phát triển công nghiệp ô tô trong nước, người tiêu dùng đã có tâm lý chờ đợi để có thể sở hữu một chiếc ô tô với giá bán hợp lý, không phân biệt nguồn gốc xe lắp ráp trong nước hay xe nhập khẩu nước ngoài. Với chính sách mới theo hướng khuyến khích sản xuất trong nước, nhiều chuyên gia nhận định, các dòng xe mũi nhọn của các hãng dự báo sẽ có thay đổi, tạo nên một cuộc cạnh tranh mới có lợi cho người tiêu dùng.
Cơ sở để hy vọng về một đợt giảm giá chung trên thị trường ô tô là sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa xe nhập khẩu miễn thuế với xe lắp ráp trong nước. Thực tế, đến nay xu thế này chưa được thể hiện rõ bởi các mẫu xe nhập khẩu được hưởng mức thuế 0% vẫn chưa về nhiều. Hiện, chỉ có Honda Việt Nam chính thức nhập khẩu và bán ra thị trường lô hàng xe miễn thuế đầu tiên. Tuy nhiên, do vẫn đang ở thế độc tôn về xe nhập khẩu nên dù giá lô xe miễn thuế này đã giảm 200 triệu nhưng chỉ sau chưa đầy một tháng lại tăng thêm 5 triệu đồng/xe. Thế nhưng, có lẽ đây sẽ chỉ là những điều chỉnh mang tính ngắn hạn bởi theo tính toán, với việc cắt giảm 30% thuế nhập khẩu 0%, dư địa để các mẫu xe nhập khẩu giảm giá lên tới hơn 20%.
Đối với xe lắp ráp, việc đầu tư mở rộng các nhà máy hiện đại, tăng cường tỷ lệ nội địa hóa cũng là cơ sở để các doanh nghiệp cắt giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm. Kỳ vọng của nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước hiện nay là việc đề xuất sửa đổi chính sách thuế TTĐB với phần giá trị sản xuất trong nước đối với sản phẩm ô tô. Kiến nghị này nếu được Chính phủ thông qua sẽ không chỉ giúp các doanh nghiệp gia tăng tỷ lệ nội địa hóa mà chắc chắn sẽ giúp giá xe trong nước giảm mạnh, đủ sức cạnh tranh với xe nhập khẩu.
Thông tin đáng chú ý là trong chiến lược xây dựng nhà máy, phát triển sản xuất, lắp ráp của các doanh nghiệp ô tô trong nước đều đề cập tới mục tiêu xuất khẩu ô tô. Với quy mô thị trường ô tô trong nước được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng, nếu đạt được mục tiêu xuất khẩu sẽ giúp sản lượng sản xuất của các doanh nghiệp tăng lên đồng nghĩa với việc kéo giảm giá thành lâu nay vẫn bị xem là nguyên nhân khiến giá ô tô trong nước cao các nước trong khu vực.
Nhận định về giá xe ở thời điểm hiện nay, theo một số chuyên gia, khi các mẫu xe nhập khẩu chính thức trở lại một cách đầy đủ chắc chắn sẽ tạo ra cuộc đua về giá. Tuy nhiên, người tiêu dùng không nên kỳ vọng về một cú giảm sốc bởi cả các hãng nhập khẩu cũng như lắp ráp sẽ tính toán việc điều chỉnh từ từ và sẽ chỉ giảm mạnh khi thị trường đến điểm ngưỡng bão hòa.
Xem link bài gốc tại đây