Các đại biểu tham dự hội thảo sáng 23/9. Ảnh K.A
Sáng 23/9, Hội thảo khoa học "Dự án mỏ sắt Thạch Khê Hà Tĩnh: Tiếp tục hay dừng khai thác" đã được Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.
Đa số các chuyên gia đề nghị dừng khai thác
Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Thành Biển, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Hà Tĩnh cho biết, liên quan dự án mỏ sắt Thạch Khê, tỉnh đã có báo cáo Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đề xuất sớm xem xét chấm dứt vì những lo ngại, tiềm ẩn rủi ro, hệ lụy lớn có thể xảy ra. Bao gồm: Công nghệ, kỹ thuật khai thác chưa phù hợp với đặc thù địa chất mỏ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động lớn đến môi trường, ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đời sống dân sinh khu vực gần dự án; phương thức vận chuyển quặng khó khả thi, hiệu quả thấp, ảnh hưởng lớn đến hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh; thị trường tiêu thụ quặng sắt chưa chắc chắn; năng lực tài chính không đảm bảo.
Bên cạnh đó, dự án khó đảm bảo được hiệu quả kinh tế và quá trình thực hiện đã để lại nhiều hệ lụy, khó khăn về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh cho các xã vùng ảnh hưởng trực tiếp.
Do vậy, việc chấm dứt dự án sẽ đảm bảo được vấn đề môi trường, nhất là môi trường dọc dải ven biển miền Trung; sẽ không đặt ra các vấn đề rủi ro, hệ lụy về môi trường, thảm họa thiên tai có thể đe dọa nghiêm trọng đến đời sống, môi trường đầu tư, môi trường biển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ nguồn tài nguyên đến khi đủ điều kiện khai thác hiệu quả. Từ đó, góp phần thực hiện chủ trương, định hướng phát triển xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.
"Sau khi dự án được cấp có thẩm quyền quyết định chấm dứt hoạt động, tỉnh Hà Tĩnh sẽ có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, cơ quan, đơn vị liên quan trong việc xây dựng phương án xử lý tổng thể khắc phục các hệ lụy, tồn tại liên quan theo đúng quy định", ông Phan Thành Biển nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, việc dừng hay tiếp tục nghiên cứu để đưa ra quyết định với dự án này cần lưu ý một số vấn đề như Hà Tĩnh với cơ cấu kinh tế hiện nay nên phát triển theo hướng nào? Hai là thực trạng mỏ sắt Thạch Khê từ khi được khai thác đến khi tạm dừng đã bộc lộ nhiều khuyết điểm về công nghệ, môi trường, an sinh xã hội. Nếu tiếp tục nghiên cứu các khía cạnh của dự án sẽ tốn thêm hàng nghìn tỷ đồng thăm dò địa chất, đánh giá tác động môi trường, lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
"Tôi đồng tình với Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hà Tĩnh, Bộ KH&ĐT không triển khai dự án này, giao cho chủ đầu tư và UBND tỉnh thực hiện các thủ tục cần thiết, tiến hành san lấp mặt bằng, giải quyết một số công việc có liên quan đến môi trường và dân sinh", GS.TSKH Nguyễn Mại nói.
Thảo luận về vấn đề trên, ông Trần Bỉnh Chư, Tổng hội địa chất Việt Nam nhận định tài nguyên địa chất của tụ khoáng sắt Thạch Khê rất lớn. Đặc điểm cấu trúc địa chất tụ khoáng sắt Thạch Khê hết sức phức tạp, vừa sâu lại gần biển, nằm dưới trầm tích bở rời. Điều kiện địa chất công trình thủy văn vùng cực kỳ phức tạp. Hiện nay chưa có một nước nào khai thác quặng sắt bờ biển, trừ khai thác sa khoáng. Chính vì vậy, nên dừng dự án này bởi đây là tài nguyên khoáng sản sắt cho tương lai.
Cùng chung quan điểm, ông Trần Văn Thụy, khoa Môi trường, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay Thạch Khê là một trong những mỏ sắt có trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á, có thể đáp ứng nhu cầu nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp gang thép của đất nước trong nhiều năm. Tuy nhiên Thạch Khê lại là một khu vực có điều kiện tự nhiên cực kỳ phức tạp, thời tiết khí hậu không ưu đãi, khoáng sản nằm sát biển, quặng phân bố sâu dưới mực nước biển, có lớp đất phủ mềm yếu, nhiều nước ngầm. Ngoài ra vị trí địa lý của mỏ quặng có nhiều lợi thế cho phát huy tiềm năng các giá trị cảnh quan, giá trị dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
"Đây là bài toán phức tạp cần có hướng đi phù hợp, giải quyết hài hòa phát triển kinh tế, bảo vệ cảnh quan, môi trường và hệ sinh thái biển. Việc tạm dừng dự án là cần thiết cho đến khi có thuyết minh khoa học, minh bạch được công nghệ phù hợp, đảm bảo tính thống nhất với quy hoạch tổng thể", ông Trần Văn Thụy đánh giá.
Về phần mình, GS.TSKH Đặng Trung Thuận cũng lưu ý việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê tiềm ẩn nhiều rủi ro và sự cố môi trường. Trong thời điểm hiện nay, một là dừng vĩnh viễn dự án để định hướng đầu tư mới hoặc tạm dừng để khảo sát, phân tích, đánh giá và đưa ra các giải pháp tối ưu về công nghệ khai thác, bảo vệ môi trường. Tương tự, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương - Phó Giám đốc Trung tâm báo cáo động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu cho rằng việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê Hà Tĩnh có thế gây ra động đất kích thích, hiểm họa sóng thần từ khu vực biển Đông là hiện hữu đối với vùng bờ biển Thạch Hà.
Lý do lãnh đạo TKV đề xuất tiếp tục thực hiện dự án
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Mạnh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), một trong các cổ đông thành lập Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê để triển khai Dự án sắt Thạch Khê nhấn mạnh việc dừng triển khai dự án này là không có cơ sở pháp lý; không có cơ sở về kỹ thuật-kinh tế-môi trường; không thực hiện đúng các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt nếu dừng sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế cho đất nước, cho các cổ đông tham gia dự án, từ đó làm mất vốn của Nhà nước.
Do vậy, TKV đề nghị tiếp tục triển khai dự án, do đã có đầy đủ cơ sở pháp lý và khi triển khai sẽ đem lại lợi ích lớn cho đất nước, đảm bảo cung cấp nguyên liệu ổn định cho các cơ sở luyện kim trong nước.
"TKV đã triển khai nhiều dự án lớn về khai thác trên cả nước, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng môi trường. Đồng thời Tập đoàn có đầy đủ năng lực về tài chính, nhân lực, triển khai dự án có hiệu quả, đảm bảo môi trường. Đề nghị Hội tổng hợp báo cáo Chính phủ, Bộ Chính trị cho phép tiếp tục triển khai dự án", đại diện TKV nói.