Thời gian qua, vụ lùm xùm nợ 8,5 triệu tính lãi thành 8,8 tỷ đồng trong thẻ tín dụng ngân hàng Eximbank đứng tên ông P.H.A (trú tại TP.Hạ Long, Quảng Ninh) gây xôn xao. Phía ngân hàng Eximbank và khách hàng đang có những bước đàm phán để giải quyết sự việc.
Qua việc này, nhiều người dân đặt ra câu hỏi về việc dễ dãi trong mở thẻ tín dụng của nhiều ngân hàng hiện nay. Đồng thời, khách hàng lo lắng liệu mình có nằm trong danh sách "tự nhiên" có thẻ tín dụng "trên trời rơi xuống" hay không.
Chia sẻ với PV Dân Việt, chị P.T.H trú tại Thái Nguyên đang sống ở Hà Nội cho biết, dù không đăng ký mở thẻ tín dụng nhưng ngân hàng vẫn gửi thẻ về với hạn mức 20 triệu đồng.
"Tôi dùng tài khoản của ngân hàng này (khách hàng không tiện nêu tên ngân hàng) rồi nên có hồ sơ ở đây. Tuy nhiên, tôi đã rất bức xúc bởi trước đó ngân hàng cũng để lỏng quản lý khiến người khác dùng chữ ký giả, căn cước công dân ảnh chụp của tôi để mở tài khoản. Bây giờ còn bất ngờ hơn bởi ngân hàng tự ý mở tài khoản rồi gọi điện cho tôi cho địa chỉ và đã gửi thẻ tín dụng cho tôi với hạn mức 20 triệu đồng. Trong khi đó, tôi không có bất cứ yêu cầu nào đến phía ngân hàng mở thẻ tín dụng", chị H nói.
Sự việc xảy ra khiến chị H cũng khá bất ngờ, ngân hàng đã phát hành thẻ tín dụng gửi về tận nhà nên chị vẫn phải lấy và vẫn không dám chi tiêu sợ khó kiểm soát, dễ phát sinh lãi sau khi vụ lùm xùm thẻ tín dụng ngân hàng Eximbank.
Không chỉ câu chuyện của chị H phản ánh, nhiều người sau khi chứng kiến sự việc thẻ tín dụng của ông P.H.A tại ngân hàng Eximbank đã lo lắng và đi kiểm tra tại các ngân hàng đã sử dụng dịch vụ.
Theo anh Quang cho biết, hiện đang sử dụng tài khoản của 2-3 ngân hàng, trước đó mở tài khoản ở một vài ngân hàng khác nên sau vụ lùm xùm Eximbank đã phải ra ngân hàng kiểm tra. "Tôi kiểm tra vài ngân hàng trước đây có mở số tài khoản, có ngân hàng vẫn duy trì thu phí hàng tháng nên đã phải huỷ thẻ. Đặc biệt, trước tôi có vay trả góp nên cũng phải ngay lập tức kiểm tra, chỉ sợ chưa trả hết các phí như bảo hiểm, thu hộ... sẽ phát sinh lãi có thể lên cao như trường hợp khách hàng Eximbank vài ngày qua".
Nói về việc ngân hàng dễ dàng trong mở thẻ tín dụng cho khách hàng hiện nay, ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), chuyên gia an ninh mạng tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia cho biết người dân đối mặt với nhiều rủi ro. Việc này có thể tạo điều kiện cho các đối tượng xấu lợi dụng thông tin thẻ tín dụng để lừa đảo online.
Trước thực trạng lừa đảo từ việc ngân hàng dễ dãi trong việc mở thẻ tín dụng, ông Hiếu PC lưu ý người dân cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa để không tạo cơ hội cho những đối tượng xấu lựa đảo một cách dễ dàng.
Quan trọng nhất, người dân cần bảo mật thông tin cá nhân bằng việc không chia sẻ thông tin thẻ tín dụng, mã OTP, số CVV hay bất kỳ thông tin cá nhân nào khác với bất kỳ ai hoặc đường link lạ không rõ nguồn gốc.
Để an toàn, người dùng cần theo dõi các giao dịch trên thẻ tín dụng thường xuyên để phát hiện sớm bất kỳ hoạt động đáng ngờ nào. Đăng ký thông báo giao dịch trên app và SMS.
Các ngân hàng đều có ứng dụng di động nên người dùng cần dùng ứng dụng để kiểm tra và quản lý tài khoản thẻ tín dụng một cách an toàn.
Trong trường hợp không sử dụng thẻ tín dụng trong thời gian dài, hoặc không sử dụng thẻ cho mục đích online nhiều, người dân có thể yêu cầu khóa thẻ qua app hoặc qua ngân hàng để tránh rủi ro bị lừa đảo. Một số app ngân hàng có tính năng khóa thẻ không cho sử dụng giao dịch liên quan đến quảng cáo.
Cuối cùng, người dân luôn lưu trữ thông tin liên hệ với ngân hàng để báo cáo ngay khi phát hiện bất kỳ hoạt động lạ nào trên tài khoản thẻ tín dụng.