Giày dép là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và là mặt hàng xuất khẩu đứng thứ 5 về kim ngạch. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu giày dép các loại trong tháng 11 đã thu về hơn 1,92 tỷ USD, tăng 10,5% so với tháng trước đó.
Tính chung trong 11 tháng đầu năm, giày dép đã thu về hơn 18,3 tỷ USD, giảm 16,6% so với năm 2022. Theo Hiệp hội Da- Giày- Túi xách Việt Nam, hiện Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm giày dép tới khoảng 100 nước trên thế giới; trong đó 72 nước có kim ngạch xuất khẩu trên 1 triệu USD.
Mỹ tiếp tục là quốc gia nhập khẩu nhiều giày dép của Việt Nam nhất với hơn 6,4 tỷ USD kể từ đầu năm, tuy nhiên giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc là thị trường lớn thứ 2, đồng thời ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất trong số các thị trường nhập khẩu lớn với hơn 1,7 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022.
Bỉ đứng thứ 3 với hơn 1,1 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Top 5 quốc gia nhập khẩu nhiều nhất còn bao gồm Nhật Bản và Đức với lần lượt hơn 946 triệu USD và 878 triệu USD.
Sản phẩm giầy dép của Việt Nam đang đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu , chỉ sau Trung Quốc và cũng đã có một số thương hiệu “Made in Việt Nam” khá tốt. Việt Nam được đánh giá là thị trường uy tín trong sản xuất các dòng sản phẩm da giầy, đặc biệt là giầy thể thao theo các nhãn hàng lớn. Trong năm 2021, Việt Nam đã chiếm đến 10,2% tổng sản lượng giày dép của thế giới.
Trên thị trường thế giới, Trung Quốc tiếp tục là quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu giày dép với sản lượng đạt 7,402 tỷ đôi, chiếm 61,1% thị phần. Tuy nhiên, trong 10 năm qua, thị phần xuất khẩu giày dép của Trung Quốc giảm 12% từ mức 73,1% năm 2011 xuống còn 61,1% năm 2020. Sự sụt giảm này đến từ sự vươn lên của Việt Nam, Indonesia và một số thị trường khác.
Bước sang năm 2023, các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản đều suy giảm do tình hình lạm phát, sức tiêu dùng suy giảm và đặc biệt tồn kho khá lớn đối với mặt hàng thời trang, đã ảnh hưởng tới tình hình đơn hàng của ngành da giầy.
Mục tiêu của ngành da giày, đến năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép, túi xách đạt 38 - 40 tỷ USD. Đến năm 2035, ngành sẽ phát triển hiệu quả và bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước; tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển được một số thương hiệu tầm khu vực và thế giới.
Trong hơn 2 năm qua, nhiều nhà máy sản xuất giày dép từ Trung Quốc và một số nước khác đã dời về Việt Nam. Một số nhãn hàng giày dép quốc tế cho hay, trong thời gian tới sẽ mở rộng sản xuất tại Việt Nam vì có nhiều yếu tố thuận lợi như lực lượng lao động trẻ có tay nghề cao, các nhà máy từng bước đổi mới công nghệ đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, địa chính trị ổn định và các chính sách liên tục được đổi mới theo hướng tạo thông thoáng cho nhà đầu tư nước ngoài.
Các doanh nghiệp trong ngành tính toán, với kịch bản khả quan nhất, xuất khẩu giày dép chỉ có thể cán đích năm 2023 ở mức 19 tỷ USD, tức là vẫn “hụt hơi” 4 tỷ USD so với năm 2022.