Cách Hà Nội khoảng 30km về phía Đông Bắc, làng Quan Độ (Yên Phong, Bắc Ninh) được biết đến như "thủ phủ" của nghề đồng nát. Đây là nơi mà những chiếc xe tăng, máy bay, tàu hỏa hay cỗ máy lớn nhỏ, thậm chí cả vật dụng bé xíu... không còn giá trị sử dụng sẽ được “mổ xẻ”, "hóa kiếp" thành những thiết bị hữu ích khác.
Bước vào làng, ai cũng bất ngờ khi chứng kiến la liệt cỗ máy công nghiệp “khủng", những bãi phế liệu chất cao như núi...nằm dọc hai bên đường, khiến những chiếc xe cẩu nặng vài tấn tất bật nối đuôi nhau ra vào khắp đường làng. Từ sáng đến tối, những tiếng lạch cạch, loảng xoảng của búa, đục gõ rền vang, đó là lúc người dân đang tách riêng từng bộ phận của những cỗ máy phế liệu rồi phân loại chúng thành từng món giá trị.
Tại nhà bà Nguyễn Thị C. người đã làm nghề đồng nát hơn 30 năm, khoảng sân rộng 40m2 trước căn nhà 3 tầng được xếp kín các loại máy móc, động cơ, thiết bị điện và cả xe máy.
Một tay cầm búa, một tay cầm đục, bà C. vừa thoăn thoắt đôi tay lành nghề, cẩn thận tách rời từng bộ phận của một chiếc máy phế liệu vừa nói: “Dân làm nghề ở đây cứ nghe thấy nhà máy nào hay ở đâu có mối hàng lớn là lại đánh xe tải đi thu mua, mang về rồi bóc tách đồng ra đồng, nhôm ra nhôm, tụ điện, đinh vít…Khách cần gì đến hỏi thì tôi bán món đấy. Ví dụ như những cuộn dây đồng này, sau khi tách ra cũng bán được giá vài trăm nghìn đồng mỗi kg”.
Bà C. cho biết, những mặt hàng phế liệu thường được mua thanh lý với chỉ vài chục nghìn đồng mỗi kg, thậm chí mua đấu giá còn rẻ hơn. Nhưng sau khi mang về, đem lọc ra cũng có thể bán được cả vài trăm nghìn đồng/kg đối với đồng, nhôm thì 35.000 đồng/kg, loại đẹp có giá 65.000 đồng/kg. Còn rẻ nhất là nhựa, sắt khoảng 10.000 - 30.000 đồng/kg.
Bà C. kể, trước đây, người dân Quan Độ vốn làm nông nghiệp, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. 30 năm trở lại đây, họ chuyển sang buôn đồng nát và bất ngờ là nhờ đó mà có của ăn của để. Theo bà C., so với làm nông nghiệp, nghề thu gom phế liệu mang lại nguồn thu nhập cao hơn hẳn cho gia đình bà cũng như nhiều hộ dân khác trong làng. Tùy theo thị trường, khi giá cả các loại phế liệu tăng thì khoản lãi thu được từ việc buôn đồng nát cũng cao hơn. Trung bình mỗi tháng, nghề buôn bán phế liệu mang về cho bà C. một khoản thu nhập khoảng 20-25 triệu đồng, còn lúc cao điểm có thể kiếm được gấp đôi.
Bà C. nói, khoảng 30 năm trước, tại làng chỉ có một vài hộ thu mua máy móc thanh lý về mổ, xẻ, phân loại để cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề tái chế nhôm, đồng…Dần dần, họ mở rộng kinh doanh, có người còn lặn lội từ Bắc vào Nam để tìm kiếm các mặt hàng phế liệu "khủng" như xác tàu hỏa, xác máy bay hay động cơ xe tăng, tên lửa...Bởi thế, khoảng chục năm về trước, không khó để bắt gặp xác máy bay khổng lồ hay toa tàu nằm ngổn ngang ở quanh làng. Trẻ con tha hồ chui rúc, khám phá những món “hàng khủng” này trước khi chúng bị đem ra “mổ xẻ”.
“Đến bây giờ vẫn có nhưng ít hơn hẳn. Vào dịp cuối năm, người làng cũng thu mua được dăm ba món “hàng khủng" kiểu này nhưng nói chung là hiếm có”, bà C. nói thêm.
Những biệt thự, nhà cao tầng nằm lẩn khuất sau những đống máy móc phế liệu khổng lồ dọc đường làng.
Nghề đồng nát đã thực sự khiến cuộc sống người dân nơi đây thay đổi. Men theo con đường làng dài chừng 1-2km, rất dễ để nhận ra những biệt thự, nhà cao tầng mọc lên san sát. Hay không khó để bắt gặp những chiếc xe sang như Camry, Lexus bóng loáng chạy qua, còn các dòng xe hơi phổ thông thì nhiều không đếm xuể.
Ông Đặng Văn Giang, trưởng thôn Quan Độ nói: “Gần đây, chưa có số liệu khảo sát thực tế, nhưng theo số liệu từ năm 2017, cả thôn có khoảng 100/800 hộ làm nghề buôn đồng nát. Hầu hết những hộ này đều có kinh tế tốt, hộ nào cũng xây được nhà lầu, mua được xe hơi, thậm chí không ít hộ còn xây được nhà to, trị giá khoảng trên 10 tỷ đồng”.