Phát biểu tại Diễn đàn Hành lang pháp lý cho Condotel diễn ra sáng 14/12 ( Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức), TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: Hiện nay, mỗi năm Việt Nam đón khoảng từ 15 đến 17 triệu lượt khách du lịch.
“Một trong nhưng điểm nghẽn cản trở sự phát triển của du lịch Việt chính là cơ sở hạ tầng, là hệ thống bất động sản của du lịch, đặc biệt là cơ sở lưu trú chất lượng cao. Trong bối cảnh đó, theo ông Lộc, homestay, condotel… là những mô hình mới có thể huy động được nguồn lực xã hội vào việc phát triển của cơ sở hạ tầng và du lịch .
Theo ông Lộc, tuần trước, Thủ tướng đã ra “tối hậu thư” yêu cầu Bộ Xây dựng ban hành quy định sửa đổi, bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đối với các loại hình nhà chung cư, công trình căn hộ du lịch (codoltel), biệt thư du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (officetel); nhà trọ, phòng trọ cho thuê. Đồng thời, Bộ phải ban hành quy chế quản lý, vận hành loại công trình văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (officetel). Thời hạn để Bộ Xây dựng hoàn thành nội dung nêu trên là trong năm 2019.
“Mổ xẻ" nguyên nhân dẫn đến sự thoái trào mô hình bất động sản nghỉ dưỡng mới này, ông Đỗ Viết Chiến - Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho biết, đầu tiên phải kể đến yếu tố pháp lý. Đây là sản phẩm bất động sản phức hợp chưa được có khái niệm rõ ràng về tiêu chuẩn, quy phạm về quy hoạch, quyền sở hữu, mua bán chuyển nhượng và quản lý vận hành….Trong đó vấn đề quyền sở hữu nổi lên hàng đầu.
“Người mua mong muốn được cấp sổ đỏ vĩnh viễn trong khi Condotel nằm giữa khung của 2 luật Luật Du lịch và Luật Nhà ở. Theo Luật du lịch thì sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng chỉ được thuê có thời hạn còn theo Luật nhà ở thì được cấp sổ đỏ vĩnh viễn”, ông Chiến nêu bất cập.
Bất cập lớn thứ hai là câu chuyện cam kết lãi suất. Theo ông Chiến, thoả thuận giữa người mua và người bán với lợi nhuận cao lên tới 12% là điều khó có thể thực hiện được. “Đây là lãi suất không thực tế, vì vậy dẫn đến tình trạng khất nợ của một số chủ đầu tư yếu kém, trả chậm và cuối cùng là không trả - gây bức xúc cho người mua”, ông Chiến nói.
Tiếp đến, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản cũng chỉ ra nguyên nhân từ việc không đồng nhất giữa các địa phương về khái niệm Condotel. Đây là vấn đề thực tế đã nảy sinh nhưng pháp luật đang điều tiết chậm, kéo theo đó là nguy cơ phá vỡ quy hoạch và những bất ổn về mặt xã hội.
Bình luận về chính sách cam kết lợi nhuận của thị trường condotel, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho rằng, mức lợi nhuận của condotel tùy thuộc vào tốc độ phát triển của ngành cũng như khả năng vận hành dự án hiệu quả của chủ đầu tư. Các phương án tài chính cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng và rõ ràng để chủ đầu tư duy trì mức lợi nhuận kỳ vọng. Chính vì thế không có một chuẩn mực nào về tỷ lệ lợi nhuận khi đầu tư vào condotel.
TS. Hiếu lưu ý nhà đầu tư condotel trước khi xuống tiền cần khảo sát kỹ càng chứng thư bảo lãnh của ngân hàng bảo lãnh, hợp đồng mua condotel phải có điều khoản xử lý việc vi phạm cam kết lợi nhuận của chủ đầu tư, sử dụng phương pháp tính giá trị hiện tại (qua các dòng tiền trong tương lai) để bảo đảm mức lợi nhuận cần thiết…