Tại mọi ngõ ngách của nền kinh tế Mỹ, lạm phát đang nóng lên. Đại dịch lắng xuống khiến nhu cầu chi tiêu bù bùng nổ đúng vào lúc nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng. Kết quả là theo báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm qua (10/6), trong tháng 5 chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng 5% so với 1 năm trước – mức tăng mạnh nhất kể từ 2008.
Ở một số mặt hàng - ví dụ như vé máy bay, chi phí đi ăn hàng và các bộ quần áo dành cho nữ giới, giá chỉ quay trở lại mức bình thường (tương đương mức trước dịch) sau khi giảm mạnh trong năm ngoái vì các công sở đóng cửa và người dân lo ngại sẽ bị nhiễm bệnh khi đi du lịch hoặc ăn hàng. Một số khác – như giá xe hơi và xe tải – tăng lên là do tình trạng khan hiếm. Giới phân tích nhận định đối với nhóm này đà tăng chỉ là tạm thời và sẽ sớm phai nhạt.
Tuy nhiên, có một số mặt hàng được dự báo sẽ không sớm hạ nhiệt và chúng phản ánh những thay đổi trong hành vi, thói quen của người lao động và người tiêu dùng.
Nhóm "quay trở lại trạng thái bình thường"
Nhà hàng: Trong tháng 5, giá các bữa ăn "full dịch vụ" đã tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 4% so với 1 năm trước. Trong khi đó giá hàng tạp hóa tăng chậm hơn so với năm 2020, khi mọi người chuyển sang ăn tại nhà nhiều hơn.
Áp lực giá cả có thể tiếp tục tăng trong vài tháng tới khi cuộc sống bình thường trở lại. Theo dữ liệu từ ứng dụng đặt bàn OpenTable, trung bình lượng thực khách trong tuần đầu tiên của tháng 6 chỉ giảm 9% so với cùng kỳ năm 2019. Ở tuần đầu tiên của tháng 5, mức giảm vẫn là 21%.
Du lịch: Lượng khách đi qua các cổng kiểm tra an ninh tại sân bay ở Mỹ đã hồi phục và đạt gần 75% so với năm 2019. Ở thời điểm đầu năm nay con số chỉ là khoảng 40%. Nhu cầu du lịch bùng nổ sau 1 năm không được đi đâu khiến trong tháng 5 giá vé máy bay tăng 24,1% so với 1 năm trước. Giá phòng khách sạn và nhà nghỉ cũng tăng 9% trong cùng kỳ, đánh dấu mức tăng kỷ lục.
Tuy nhiên giá vé máy bay vẫn giảm 12% so với tháng 2/2020, trong khi giá phòng khách sạn giảm 4,6%.
Quần áo: Giá các mặt hàng thời trang nữ đã giảm mạnh trong năm ngoái vì mọi người làm việc online và cũng không tham gia các sự kiện xã hội. Tuy nhiên, trong tháng 5 vừa qua, lần đầu tiên kể từ khi cuộc khủng hoảng Covid-19 bắt đầu, giá mặt hàng này đã tăng so với 1 năm trước.
Thiếu nguồn cung
Xe cộ: 1/3 mức tăng của CPI tháng 5 đến từ đà tăng vọt của giá xe hơi đã qua sử dụng và xe tải. Tình trạng thiếu chip trên toàn cầu làm gián đoạn hoạt động sản xuất, khiến lượng hàng dự trữ tại các đại lý sụt giảm. Xe mới thiếu hụt kéo theo nguồn cung xe đã qua sử dụng cũng bị bóp nghẹt. Giá xe hơi đã qua sử dụng và xe tải tăng 29,7% so với tháng 5 năm ngoái.
Tình trạng thiếu hụt xe hơi mới cũng làm khó các công ty cho thuê xe vốn đã bán tống bán tháo một lượng xe lớn trong năm ngoái khi nhu cầu đi lại sụp đổ hoàn toàn. Giờ đây cầu vượt quá cung khiến giá cả tăng gần 110% so với 1 năm trước.
Jeffrey Stark (28 tuổi - đang sống ở bang Virginia) muốn đi lại nhiều hơn vì cuộc sống đang trở lại bình thường. Tuy nhiên anh phát hiện ra rằng mức giá cao và tình trạng khan hiếm hàng hóa dịch vụ khiến mong muốn đó khó trở thành hiện thực. Tuần tới anh sẽ bay tới Utah để tham dự 1 sự kiện của gia đình. Dự định ở lại chơi vài ngày tan biến khi anh không thuê nổi xe hơi.
Đồ nội thất, đồ gia dụng và các vật dụng trong nhà khác đã tăng giá mạnh trong đại dịch và đang tiếp tục tăng lên vì mọi người vẫn đang ở nhà nhiều hơn so với trước dịch. Trong tháng 5, giá đồ nội thất phòng khách, bếp hay phòng ăn đã tăng 9,8% so với 1 năm trước; trong khi đồ nội thất phòng ngủ và cả các loại cây và hoa trồng trong nhà cũng tăng mạnh.
Tham khảo Wall Street Journal