Từ chen chân vào ngân hàng…
Năm 2007, thời gian thị trường chứng khoán Việt Nam đang rất “nóng” và cổ phiếu (CP) ngân hàng được đánh giá là CP vua, MobiFone đã công bố kế hoạch lấn sân vào lĩnh vực tín dụng. Hồi tháng 8/2007, MobiFone cho biết đã sở hữu 8% cổ phần của SeABank (tương đương 12 triệu CP). Tuy nhiên, giá trị cụ thể của khoản đầu tư này không được công bố.
Thời điểm đó, CP SeABank không được “nóng” như CP các ngân hàng khác khi giao dịch trên OTC, chỉ từ 11.000 đồng/CP tới 14.000 đồng/CP. Ở mức giá 14.000 đồng/CP, lượng CP SeABank của MobiFone có giá trị khoảng 168 tỷ đồng.
Sau đó, SeABank tăng vốn điều lệ từ 1.500 tỷ đồng lên 5.400 tỷ đồng và do không mua thêm trong tất cả các đợt tăng vốn nên MobiFone giảm tỷ lệ nắm giữ tại ngân hàng này xuống 6,11%, tương đương 33,4 triệu CP, trị giá 318 tỷ đồng (thời điểm cuối quý 2/2017).
MobiFone cũng là một trong những “gương mặt” gây dựng lên TPBank. Năm 2008, TPBank được thành lập với 3 cổ đông sáng lập chính là FPT, Vinare và MobiFone. Tuy nhiên, không lâu sau, TPBank lâm vào tình cảnh khó khăn và đại gia vàng bạc Đỗ Minh Phú xuất hiện, “giải cứu” ngân hàng này.
Khi TPBank tăng vốn điều lệ lên 5.500 tỷ đồng thì tỷ lệ nắm giữ tại TPBank của MobiFone giảm xuống chỉ còn 2,6% (khoảng 14,3 triệu cổ phiếu). Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2017 của MobiFone, khoản đầu tư vào TPBank của MobiFone trị giá 48,6 tỷ đồng.
Trong những năm gần đây, với mong muốn tái cơ cấu, MobiFone nhiều lần rao bán CP SeABank và TPBank với mức giá “đại hạ giá”. |
…đến đại hạ giá CP
Trong những năm gần đây, với mong muốn tái cơ cấu, MobiFone nhiều lần rao bán CP SeABank và TPBank với mức giá “đại hạ giá”. Song, buồn thay, các phiên đấu giá vẫn không được thực hiện vì không nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư.
Phải tới đầu năm 2018, thời điểm CP ngân hàng tăng rất nóng trên cả thị trường OTC và thị trường niêm yết, MobiFone mới “thoát” khỏi ngành ngân hàng. Tuy nhiên, MobiFone vẫn phải “đại hạ giá” mới bán được hết số cổ phần cần bán.
Cụ thể, ngày 7/2/2018, MobiFone đã tổ chức phiên đấu giá thành công hơn 33,4 triệu CP SeABank với mức giá khởi điểm thấp hơn thị giá, chỉ 9.600 đồng/CP. Đã có 6 nhà đầu tư là tổ chức và 48 nhà đầu tư cá nhân tham gia đấu giá với mức đấu thành công bình quân 9.978 đồng/CP. Như vậy, MobiFone thu về gần 333,5 tỷ đồng từ SeABank.
Hiện tại, trên thị trường OTC, giá CP SeABank được giao dịch phổ biến ở mức trên, dưới 14.000 đồng/CP. Với mức giá này, lượng CP SeABank thuộc sở hữu của MobiFone tương đương 467,6 tỷ đồng.
Trong khi đó, CP TPBank được MobiFone đại hạ giá mạnh tay hơn. Hồi tháng 1/2018, MobiFone công bố sẽ đấu giá 5,5 triệu CP TPBank với giá khởi điểm 12.800 đồng/CP, thấp hơn giá trên OTC 15.700 đồng/CP, tương đương 55%.
Tuy nhiên, phiên đấu giá CP TPBank của MobiFone tiếp tục gặp khó khăn. Ngày 16/1/2018, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho biết, phiên đấu giá đã bị tạm dừng, không phải do ế ẩm mà do chính MobiFone xin hoãn, vì muốn làm rõ thông tin về sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại TPBank.
Như vậy, hiện tại MobiFone mới chỉ chính thức “hết duyên” với SeABank, song vẫn là cổ đông của TPBank!
Tùng Lâm