TS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của tác giả Vũ Diễm Hằng ở Hà Nội gửi tới cuộc thi viết về Chất lượng dịch vụ ngân hàng: Từ thực tiễn đến ước mong do Cafef phối hợp với báo Trí thức trẻ tổ chức.
----------
Ứng dụng công nghệ vào ngân hàng giúp giảm thiểu chi phí
Trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới và cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức khi mà công nghệ, máy móc ngày càng được cải tiến, thay thế cho sức lực con người. Việc ứng dụng công nghệ mới diễn ra trong nhiểu ngành công nghiệp, đặc biệt là những ngành sử dụng nhiều lao động thủ công như dệt may, da dày… Theo đó, ngân hàng, là trung gian thanh toán và tiếp vốn cho toàn nền kinh tế, cũng không nằm ngoài guồng quay đó. Việc đưa ứng dụng công nghệ vào ngân hàng góp phần giảm thiểu lao động dư thừa, giảm thiểu chi phí quản lý và tăng chất lượng phục vụ cũng như chất lượng dịch vụ của Ngân hàng, hướng tới một xã hội hiện đại, không dùng tiền mặt.
Đến nay, mọi giao dịch mua sắm, thanh toán đều có thể thực hiện bằng thao tác trên điện thoại hoặc các phương tiện có kết nối mạng Internet. Các ngân hàng theo đó không ngừng nâng cấp và xây dựng phần mềm ứng dụng trên điện thoại như "Smart Banking", "Mobile Banking" với nhiều tính năng vượt trội hơn so với sản phẩm "Internet Banking" thông thường bằng cách bổ sung thêm các chức năng kết nối thanh toán thẻ tín dụng, thanh toán tiền theo số điện thoại, thanh toán QR code… Ngân hàng cũng áp dụng các chính sách ưu đãi cho khách hàng gửi tiền online với lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao hơn trung bình từ 0,1% - 0,2%/năm so với tiền gửi tiết kiệm tại quầy thông thường.
XEM TẤT CẢ CÁC BÀI DỰ THI của cuộc thi viết "Chất lượng dịch vụ ngân hàng: Từ thực tiễn tới ước mong" tại đây
Nhờ vậy, chỉ với một chiếc smart phone có cài đặt ứng dụng thanh toán mọi thao tác chuyển tiền, mua sắm của người dùng trở nên nhanh chóng và tiện lợi hơn từ thanh toán tiền điện, nước, học phí, viễn thông, nạp tiền tài khoản chứng khoán đến thanh toán tiền mua sắm, vé máy bay… Việc kết nối thông tin tài khoản khách hàng với số điện thoại đăng ký cũng góp phần giúp người dùng có thể chuyển tiền một cách nhanh chóng dựa trên liên kết danh bạ điện thoại của người dùng hoặc đăng nhập thông tin số điện thoại của người chuyển tiền đến thay vì phải nhớ số tài khoản hoặc xếp hàng tại quầy giao dịch ngân hàng để thực hiện chuyển tiền.
Việc kết nối các phần mềm thanh toán thông minh, đối với khách hàng, giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí và gia tăng các lợi ích sử dụng của người dùng. Đối với Ngân hàng, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng, gia tăng quy mô khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng đồng thời giảm thao tác tác nghiệp nội bộ và giảm lao động dư thừa. Do vậy, Ngân hàng sẽ có nhiều thời gian để tập trung phát triển, chăm sóc khách hàng và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Ứng dụng thanh toán hiện đại nhưng lại phức tạp và làm mất thời gian
Dẫu vậy, các ứng dụng công nghệ ngân hàng mới đang trong giai đoạn cải tiến và hoàn thiện, khách hàng vẫn gặp phải những bất cập trong việc sử dụng. Cụ thể, việc phát triển ứng dụng thanh toán chưa kết nối đồng bộ với các công ty cung cấp sản phẩm, dịch vụ đôi khi gây bất tiện cho người dùng và không làm gia tăng giá trị thanh toán cho các bên liên quan. Việc thanh toán tiền vé máy bay trên ứng dụng "Mobile Banking" hay "Smart Banking" của một số ngân hàng hiện nay yêu cầu phải nhập mã đặt chỗ đồng nghĩa với việc khách hàng phải lên website của các hãng máy bay hoặc các trang liên kết đặt vé để giữ chỗ sau đó mới sử dụng được ứng dụng của Ngân hàng để thanh toán. Như vậy, khách hàng vừa phải vào website hãng hàng không để tra thông tin chuyến bay và đặt chỗ vừa phải đăng nhập ứng dụng ngân hàng để thanh toán trên thiết bị kết nối nếu muốn sử dụng chức năng thanh toán này của Ngân hàng.
Nghịch lý là hiện nay website của chính hãng hàng không hay các trang đặt vé khác như booking, traveloka, agoda…đều có thể chức năng thanh toán online ngay khi đặt xong vé máy bay. Khách hàng chỉ cần chọn phương thức thanh toán và nhập số thẻ cùng các thông tin cần thiết là có thể thanh toán được ngay. Điều này có nghĩa là thanh toán qua ứng dụng ngân hàng hoàn toàn không làm gia tăng lợi ích cho khách hàng mà thậm chí đôi khi lại phức tạp và mất thời gian hơn cho khách hàng.
Một ví dụ khác, các phần mềm ứng dụng hiện tại của Ngân hàng cung cấp thêm chức năng thanh toán qua số điện thoại có liên kết với tài khoản người nhận. Việc này có đảm bảo tính bảo mật thông tin tài khoản của khách hàng hay không khi mà chỉ cần có số điện thoại là bất kỳ ai cũng có thể tra được tài khoản người nhận dù người nhận có muốn cung cấp hay không.
Việc dễ dàng hơn trong thanh toán cũng đòi hỏi tính bảo mật của thiết bị cao hơn khi Ngân hàng yêu cầu thay đổi mật khẩu ứng dụng định kỳ với các quy tắc thường rất khó nhớ, mật khẩu sau không trùng mật khẩu trước. Người dùng do vậy rất dễ đăng nhập sai mật khẩu và bị khoá ứng dụng rồi lại phải chen chân xếp hàng tại Ngân hàng để kích hoạt lại mật khẩu.
Nhìn chung, việc ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động ngân hàng nhằm hướng tới một xã hội văn minh, tạo nhiều tiện ích thanh toán cho người dùng, giảm thiểu các thao tác tác nghiệp tại ngân hàng. Bên cạnh những ưu điểm trong thanh toán, có hay chăng ngân hàng cần nâng cao chất lượng sử dụng từng tiện ích trong ứng dụng, tạo kết nối thông tin với các công ty cung ứng sản phẩm, dịch vụ và gia tăng tính bảo mật của ứng dụng trên cơ sở tạo thuận lợi cho người dùng. Thiết nghĩ, trong tương lai không xa, mọi thao tác thanh toán từ những nhu cầu thiết yếu hàng ngày của khách hàng như ăn uống, đi lại đến kinh doanh đều có thể thực hiện thông qua các ứng dụng ngân hàng kết nối thiết bị thông minh, hướng tới xã hội không dùng tiền mặt, góp phần gia tăng vòng quay của tiền tệ, tạo nên thêm nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế và xã hội.