Chia sẻ tại toạ đàm trực tuyến mới đây về Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) do IDG tổ chức, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, số lượng và giá trị giao dịch qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đều tăng mạnh trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, tiền mặt vẫn còn là phương thức thanh toán phổ biến; hệ sinh thái, chia sẻ thông tin – dữ liệu và niềm tin của khách hàng vẫn là những thách thức lớn trong TTKDTM thời gian tới.
TS. Cấn Văn Lực dẫn dữ liệu của FIS Global Payment cho biết, tại Việt Nam, phương thức trả tiền mặt trong thương mại điện tử đang chiếm tới 28%, trong khi chuyển khoản là 26%, ví điện tử 21%, thẻ tín dụng là 14%. Trong khi đó, trung bình trên thế giới, thanh toán qua hình thức ví điện tử chiếm tỷ trọng lớn nhất đạt 44,5%, tiếp theo là thẻ tín dụng với 22,8%.
Tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán của Việt Nam hiện nay ở khoảng 11,5%, có giảm nhưng không đáng kể trong vài năm trở lại đây. Trong khi đó, NHNN đang phấn đấu tỷ lệ này giảm về dưới 8% năm 2025. "Đây là chiến lược khá tham vọng", ông Lực nhận xét.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn dư địa rất lớn để phát triển TTKDTM. Ông Lực đưa ra một số giải pháp để thúc đẩy TTKDTM tại Việt Nam, trong đó nhấn mạnh việc cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho kinh tế số, chính phủ số, trong đó có lĩnh vực tài chính – tiền tệ số. Ngoài ra, cần tiếp tục nâng cấp hệ thống CNTT, hạ tầng số tại các vùng xa xôi hẻo lánh, nâng cao nhận thức và tăng niềm tin của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần phát triển hệ thống open banking, hệ sinh thái, trong đó cần có sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa NHTM – Fintech – Trung gian thanh toán. Ông cũng cho rằng, cần phải sớm đưa dịch vụ Mobile money vào hoạt động thí điểm, nhất là bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp (ứng dụng trong chuyển tiền hỗ trợ cho người dân).
Điều quan trọng không thể bỏ qua là cũng cần đẩy mạnh giáo dục tài chính như là một trụ cột trong thực hiện chiến lược phát triển tài chính toàn diện.
Trong khi đó, bà Phạm Minh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone nhận định, dư địa cho phát triển thanh toán không tiền mặt vẫn còn, nhưng khá là "sỏi đá". "Những mảnh đất màu mỡ có lẽ ngân hàng cũng đã khai thác hết rồi. Và phần còn lại sẽ là phần cho các Telco (Công ty viễn thông) làm", bà nói.
Số lượng giao dịch không tiền mặt hiện nay tập trung ở thành thị, do đó khu vực nông thôn (chiếm khoảng 70% dân số) sẽ là dư địa còn lại để phát triển. Bà Tú cho rằng, nếu khai thác được mảnh đất này thì thì sẽ tạo nên sự thay đổi, nâng cấp trong xã hội, giảm khoảng cách thành thị và nông thôn. Người dân ở nông thôn có thể bán sản phẩm của mình thông qua các công cụ thanh toán, thương mại điện tử. "Đây là dư địa sỏi đá nhưng khai thác được sẽ rất màu mỡ".
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone cũng đánh giá cơ sở hạ tầng trong thanh toán không dùng tiền mặt của Việt Nam có thuận lơi. Ví dụ, theo số liệu năm 2020, chúng ta có hơn 100 triệu thuê bao di động, 70% dân số sử dụng Internet, loại trừ người già và trẻ nhỏ thì hầu như người trưởng thành nào cũng đã tiếp cận Internet, tạo môi trường cho phát triển thương mại điện tử cũng như TTKDTM.
Ngoài ra, Covid là một điều kiện vàng không chỉ thúc đẩy chuyển đổi số mà còn thay đổi thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử và chúng ta cần nắm lấy thời điểm này để phát triển các sản phẩm số.
Chia sẻ tại toạ đàm, bà Tú cho biết, tháng 3 năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thí điểm Mobile Money cho 3 Telco. "Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục và xin giấy phép để tung sản phẩm ra trong thời gian tới". Mobile Money dựa trên đại lý rộng khắp tới vùng sâu vùng xa của công ty viễn thông, sẽ lấp đầy những khoảng trống mà ngân hàng chưa làm đến.
Vị chuyên gia cũng cho nhấn mạnh, sản phẩm số phải đem lại trải nghiệm tốt và giá trị cho khách hàng. Sản phẩm tốt đến mấy mà không đem lại lợi ích, chẳng hạn có một công cụ thanh toán rất chuẩn nhưng lại thu phí thì rất khó được khách hàng đón nhận, sử dụng.